Có gần 150 hiện vật, tư liệu thuộc sưu tập hiện vật với nhiều chất liệu như đá, gốm, kim loại, thủy tinh… được giới thiệu đến công chúng tại trưng bày chuyên đề này.
Sự kiện do Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp thực hiện nhằm tổng kết chặng đường nghiên cứu về di tích Bãi Cọi (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh); ghi nhận kết quả của chương trình hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua. Đây cũng là hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhấn mạnh: Trưng bày là dịp để công chúng có thêm nhận thức về vị trí, vai trò và giá trị của di sản Bãi Cọi trong diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, cũng như ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các nhà khảo cổ học trong việc góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc…
Trưng bày “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” gồm 3 phần: “Bãi Cọi - Hành trình khám phá”; “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hoá”; hợp tác quốc tế giữa giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.
Ban Tổ chức cho biết: Di tích khảo cổ học Bãi Cọi được phát hiện từ năm 1974, đến nay đã trải qua nhiều đợt nghiên cứu và khai quật, trong đó đáng chú ý nhất là các đợt khai quật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện từ năm 2009 đến 2012.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, Bãi Cọi là di tích khảo cổ học đặc biệt, mang đặc trưng của 2 nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng. Bãi Cọi chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn. Vì vậy, di tích Bãi Cọi có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời sơ sử ở Việt Nam, từ hơn 2.000 năm trước.
Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là một quần thể mộ táng được phân bố trên một diện tích rộng lớn với 2 loại hình mộ chính là mộ chum và mộ huyệt đất được chôn xen kẽ. Điểm lý thú, tạo nên giá trị đặc biệt của di tích Bãi Cọi là việc các mộ chum (Sa Huỳnh) chứa các hiện vật thuộc văn hoá Đông Sơn, ngược lại trong các mộ huyệt đất (Đông Sơn) lại không hiếm gặp các hiện vật mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh và cả hiện vật thuộc văn hoá đồ sắt Trung Quốc. Với vị trí, tính chất đặc biệt đó, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích Khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp Quốc gia.
Trưng bày “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đến hết tháng 4/2021.