Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng hàng vạn nhân dân, du khách thập phương đã về dự Lễ.
Tại Lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu đã đọc diễn văn tưởng niệm ôn lại thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh khoảng năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, ông đã nức tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn. Vào thế kỷ 13, quân Nguyên Mông ba lần xâm lược nước ta (vào năm 1258, 1285, 1288).
Dưới sự lãnh đạo tài tình của vua tôi nhà Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, quân dân Đại Việt đã vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” đã ba lần đánh tan hàng vạn quân Mông Nguyên xâm lược hùng mạnh, giành thắng lợi lẫy lừng, “tiếng vang đến phương Bắc, đến giặc cũng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên.
Ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi của nước Đại Việt đều có công lao to lớn của ông. Tên tuổi của ông đã gắn liền với những chiến công hiển hách ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang… và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Không chỉ biết đến với vai trò là một nhà quân sự thiên tài, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn còn soạn hai bộ sách để dạy các tướng lĩnh đương thời là “Binh thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”. Trong đó, nổi tiếng với bài “Hịch tướng sĩ” đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, làm lay động hàng ngàn tướng sĩ.
Dưới trướng của ông, nhiều bậc hiền tài đã hết lòng phò vua giúp nước như Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng… Tất cả đã tạo thành một đội quân hùng mạnh “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục” làm nên những chiến thắng vẻ vang, giữ vững nền độc lập thái bình cho đất nước. Với công lao to lớn đó, ông đã được các vua Trần phong làm Đại vương và lập đền thờ khi còn sống tại Vạn Kiếp gọi là Sinh từ. Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý 1300, ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp.
Hơn 7 thế kỷ đã qua nhưng tư tưởng giữ nước “lấy dân làm gốc” cùng những tri thức quân sự, cách dùng người và lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại Vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, ông là một Thượng đẳng phúc thần, là Đức Thánh Trần.
Sau diễn văn tưởng niệm và văn tế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đại diện lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng nhân dân đã thành kính dâng hương tưởng niệm ông.
Tiếp nối Lễ tưởng niệm, tại khu vực đê sông Lục Đầu đã diễn chương trình diễn xướng “Hùng khí Lục Đầu giang”, một điểm nhấn độc đáo của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2019. Lần đầu tiên, chương trình được tổ chức với quy mô hoành tráng, quy tụ 50 thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh Hải Dương được trang hoàng lộng lẫy và sự tham gia của khoảng 1.500 người dân là các diễn viên, võ sinh, bộ đội và nhân dân địa phương trong vai tướng lĩnh, quân sĩ. Màn diễn xướng đã tái hiện lại ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông của quân dân nhà Trần trên 700 năm trước, ca ngợi công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, qua đó góp phần tuyên truyền quảng bá những nét đẹp văn hóa của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Diễn xướng hội quân có 3 chủ đề: Quốc công Tiết chế phụng lệnh hội quân, Sông Lục Đầu bày thế trận; Hùng Khí Lục Đầu; Ca khúc khải hoàn. Ở phần thứ nhất, tái hiện cảnh Trần Hưng Đạo tập hợp 20 vạn quân tại Vạn Kiếp, bày và duyệt thế trận chặn đánh quân Nguyên Mông. Trên bờ các đội quân đối luyện; dưới sông, các đoàn thuyền hướng về đài duyệt quân nhận lệnh. Trên bộ, dưới sông, đội cờ, đội võ hò reo theo nhịp trống. Trên đài duyệt quân, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đọc Hịch tướng sĩ động viên tinh thần chiến đấu của quân sĩ.
Ở phần thứ 2 của diễn xướng hội quân tái hiện lại chiến thắng ở trận Vạn Kiếp năm 1285 với các hoạt cảnh đấu võ thể hiện sự giao tranh quyết liệt giữa quân đội hai bên, cảnh Thoát Hoan chui vào ống đồng chạy trốn, cảnh các đoàn thuyền vây bắt thuyền quân Nguyên, hoạt cảnh tung lưới ngũ sắc bắt Phạm Nhan.
Phần cuối diễn xướng hội quân, các đoàn thuyền lần lượt tiến về khu trung tâm mang theo một biển chữ, ghép lại thành câu đối “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí; Lục Đầu vô thủy bất thu thanh”.
Lần đầu tiên, diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu được tổ chức với quy mô lớn, hoành tráng đã thu hút hàng vạn nhân dân và du khách thập phương quan tâm theo dõi.
Trước đó, đêm 14/9 (tức 16/8 âm lịch), tại di tích Đền Kiếp Bạc, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2019 đã tổ chức Lễ khai ấn và ban ấn Đền Kiếp Bạc cho nhân dân. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Ấn tại Đền Kiếp Bạc là ấn của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trên tấm phù ấn thường có 4 ấn là “Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn”, “Quốc Pháp Đại Vương”, “Vạn Dược Linh phù” và “Phi Thiên Thần Kiếm Linh phù” thể hiện riêng từng ý nghĩa như: quyền uy, sức mạnh, sức khỏe.