Kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Nhật ký trong tù”:

Kết tinh của “thép” và “tình”, của hiện thực và lãng mạn

Dù tác giả Hồ Chí Minh đã tự sự trong bài “Khai quyển” của Ngục trung nhật ký: “Ngâm thơ ta vốn không ham...” và Người làm thơ trong tù như một sự “bất đắc dĩ” để “Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”, nhưng trong “Mười bốn trăng tê tái gông cùm” (Tố Hữu), Người đã để lại cho hậu thế một tập thơ xuất sắc: Ngục trung nhật ký / Nhật ký trong tù.


Gian truân và độc đáo


Trước khi chính thức ra mắt độc giả, bản thảo của tập thơ nổi tiếng này đã trải qua nhiều bước “chuân chuyên” trong gần 20 năm.


Hiện vật lưu tại bảo tàng Lịch sử quốc gia.


Ngày 13/8/1942, với tên Hồ Chí Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với Đồng minh và các lực lượng cách mạng khác của người Việt Nam trên đất Trung Quốc. Ngày 27/8, Người bị bắt giữ ở phố Túc Vinh (huyện Thiên Bảo, Quảng Tây). Từ ngày 29/8 đến ngày 24/9, trong nhà tù ở huyện lỵ Tĩnh Tây, Hồ Chí Minh đã làm 22 bài thơ mở đầu cho tập Ngục trung nhật ký. Trang bìa của tập thơ vẽ hai bàn tay bị xiềng và bốn câu thơ như lời đề từ của tác giả cho cả tập: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”.


Tập thơ dày thêm tới con số 133 bài theo bước chân Hồ Chí Minh qua 18 nhà lao của chính quyền Quốc dân đảng ở 13 huyện trong tỉnh Quảng Tây và ngày 10/9/1943 là ngày Người viết bài thơ cuối cùng (Kết luận) khi được trả tự do, “Nhật ký trong tù chấm dứt từ đây”. Tuy vậy, trên trang bìa quyển “Ngục trung nhật ký” (bằng giấy bản, là hiện vật lưu trữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia) lại có dòng chữ số ghi: “29.8.1932 – 10.9.1933”. Khi được hỏi, Bác trả lời: “Mình muốn đánh lạc hướng, ai hiểu thế nào thì hiểu”.


Sau khi thoát ngục rồi trở về Pác Bó, Bác Hồ không mang theo mình mà gửi quyển Ngục trung nhật ký tại nhà một cơ sở cách mạng vì sợ hơi ẩm trong hang sẽ làm hư hỏng giấy bản. Trải nhiều năm lưu lạc, cuốn Ngục trung nhật ký trở về với Bác ở Việt Bắc trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Người cho đưa quyển Ngục trung nhật ký vào phòng lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng. Đầu năm 1959, quyển Ngục trung nhật ký được ông Phạm Văn Bình (khi đó là cán bộ Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được phân công giảng về Cách mạng Việt Nam thời kỳ 1939 - 1945) tình cờ phát hiện lại trong kho lưu trữ. Viện Văn học đã tổ chức dịch và xuất bản tập thơ. Năm 1960, nhân lần thứ 70 ngày sinh của Người, Nhật ký trong tù được phát hành rộng rãi (tuy bản dịch đầu tiên còn thiếu 20 bài so với quyển gốc). Từ đó đến nay, Nhật ký trong tù đã được dịch trọn vẹn và xuất bản nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, được giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới. Nhật ký trong tù cũng là nguồn cảm hứng để nhiều nhà thư pháp thể hiện nhiều lần bằng chữ Việt, chữ Hán, chữ Triều Tiên và chữ Nhật Bản, trên nhiều chất liệu...


Một cuốn “phim tài liệu” nhiều giá trị


Ông Quách Mạt Nhược (1892 - 1978), một học giả nổi tiếng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội đầu tiên của nước CHND Trung Hoa, đã đánh giá về Nhật ký trong tù: “Không đơn thuần là một tập thơ mà là một bộ sử thi”.


Hiện thực xã hội trong Nhật ký trong tù hiện ra giữa những dòng thơ của nhà cách mạng lão luyện mà giàu tình cảm Hồ Chí Minh như một cuốn “phim tài liệu”, mang đến cho người đọc không chỉ nhiều thông tin mà cả hình ảnh. Trong “cuốn phim” đó hiện lên những sự hà khắc, bất công của một xã hội cần thay đổi (cảnh ngộ của đôi vợ chồng cách biệt qua song sắt; em bé nửa tuổi phải vào nhà lao vì cha trốn không đi lính; cảnh nghèo đói của nhân dân vùng Long An / Ðồng Chính; một người tù cờ bạc bị chết; chuyện cờ bạc, chuyện hút thuốc trong tù...) khiến người ta bất bình; những vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp con người, vẻ đẹp của những giá trị cuộc sống khiến người ta tin tưởng, hy vọng. Không những thế, nhiều mảng hiện thực trong Nhật ký trong tù là những bức tranh được vẽ nên không chỉ bằng sự tài hoa mà còn bằng cả một tâm hồn yêu cuộc sống mãnh liệt:


“Tới đây khi lúa còn con gái
Gặt hái hôm nay quá nửa rồi
Khắp chốn nông dân cười hớn hở
Ðồng quê vang dậy tiếng ca vui”


(Cảnh đồng nội).


Tất cả những cảnh đó đều được đặt trong bối cảnh thời đại. Thế giới đang chuyển biến trên đà thắng lợi của lực lượng đồng minh trước quân phát xít. Trong bối cảnh lớn đó, Hồ Chí Minh là người đại diện cho khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Nhật ký trong tù là tiếng nói của một trái tim yêu nước bỏng cháy, của tinh thần dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của chính tác giả/lãnh tụ của công cuộc giải phóng đó.


“Phương Ðông màu trắng chuyển sang hồng/Bóng tối đêm tàn quét sạch không/Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”.

Ngày 1/10/2012, tác phẩm Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 1) theo quyết định số 1426/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Điều đặc biệt, những bài thơ vút lên từ chốn ngục tù tăm tối như ngọn lửa rực sáng soi rõ vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh, vừa mềm mại tinh tế và nhạy cảm với mọi biến thái của thiên nhiên và lòng người, vừa ung dung tự tại, vừa tràn đầy lạc quan tin tưởng. Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) khi đọc Nhật ký trong tù đã cho rằng: "Không những chúng ta được thấy lại bộ mặt tàn khốc đen tối của nhà tù Trung Quốc mà chúng ta còn được gặp một tâm hồn vĩ đại của một nhà ái quốc, một tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng” (Tạp chí Văn nghệ, số 5/1960).


Hồ Chí Minh đã là biểu tượng cho tình yêu tự do và công lý của dân tộc Việt Nam. Người cũng là biểu tượng của tình yêu mãnh liệt và ý chí đấu tranh bất khuất cho tự do trên thế giới. Tạp chí Time (Mỹ) số tháng 10/2010 đã xếp Hồ Chí Minh trong số mười nhân vật đấu tranh cho tự do nổi tiếng nhất mọi thời đại. Có thể nói rằng, không ai hiểu và diễn ngôn về tự do nhất quán và sâu sắc như Hồ Chí Minh. Người đã khái quát: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/Cay đắng chi bằng mất tự do”.


Và với người tù Hồ Chí Minh, ngục tù có thể giam cầm được thân thể nhưng không giam cầm được tư tưởng, giữa chốn lao tù khổ ải, Hồ Chí Minh vẫn luôn thấy mình là người tự do: “Tự do tiên khách trên trời/Biết đâu trong ngục có người khách tiên”(Quá trưa).


Vì vậy, ở mọi thời đại Nhật ký trong tù luôn là một tác phẩm lớn, được sản sinh bởi một nhà cách mạng lỗi lạc, người tiên phong đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, giành tự do cho nhân dân Việt Nam. Tập thơ xuất sắc và độc đáo này đã ghi những giá trị lớn của nó trên cả phương diện thi ca và lịch sử.


Ngữ Thiên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN