Khai mạc ngày 6/4 và sẽ kéo dài đến hết tháng 4, triển lãm “Nét vẽ cổ tích - Heritage treasure” tại Heritage Space - Dolphin Plaza (số 28 Mỹ Đình, Hà Nội), đã làm sống lại những giây phút êm đềm của tuổi thơ và những giấc mơ ngọt ngào mà ai cũng đều đã từng được nếm trải...
Các bộ tranh tại triển lãm. |
Sáu bộ tranh minh họa gốc các chuyện cổ tích được trưng bày trong triển lãm gồm: “Từ Thức gặp tiên” (Heritage tháng 6/2013) của họa sĩ Vũ Đình Tuấn, “Sự tích hồ Ba Bể” (Heritage tháng 3/2013) của họa sĩ Trần Quang Minh, “Sự tích Thánh Gióng” (Heritage tháng 4/2013) của họa sĩ Nguyễn Văn Đức, “Sự tích đá vọng phu” (Heritage tháng 12/2013) của họa sĩ Phạm Hùng Anh, “Sự tích bánh chưng, bánh dày” (Heritage tháng 1/2014) của họa sĩ Nguyễn Văn Cường và “Sự tích ông Bình vôi” (Heritage tháng 3/2014) của họa sĩ Nguyễn Trường Linh. Các bộ tranh đã đưa tới cho người xem những cảm nhận đầy đủ hơn về những câu chuyện cổ tích, vốn di sản dân gian vô cùng quý báu và cũng vô cùng quen thuộc với mỗi người Việt Nam này.
Lần đầu tiên được tổ chức, những tác phẩm trong triển lãm là một phần trong “kho tranh” đồ sộ mà tạp chí Heritage sở hữu. “Heritage là tạp chí duy nhất có chuyên mục “Chuyện cổ tích - Folk tale”, được thực hiện từ 1997, với mục đích giới thiệu tới bạn đọc kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Đây cũng chính là vốn di sản phi vật thể đặc biệt, được lưu truyền và bồi đắp qua các thế hệ. Chuyên mục này rất thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong nước và quốc tế, bởi các câu chuyện cổ tích cũng giúp hiểu thêm về một dân tộc, một đất nước”, đại diện BTC triển lãm cho biết, “điều đáng nói là chuyên mục không chỉ giới thiệu nội dung các câu chuyện cổ, mà các sự tích dân gian còn được kể theo một cách đặc sắc: Mỗi câu chuyện được vẽ lại bằng một series tranh sáng tác, đặt hàng độc quyền với các họa sĩ tên tuổi trong giới mỹ thuật Việt Nam đương đại. Nói cách khác, bên cạnh cốt truyện bằng câu chữ, bạn đọc được tiếp cận lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của hội họa”.
Tác phẩm minh họa truyện cổ tích “Thánh Gióng” của họa sĩ Nguyễn Văn Đức. |
Đúng như nhận định này của đại diện BTC, thông qua các bộ tranh minh họa truyện cổ tích này, người xem có thể hình dung được cả trào lưu sáng tác trong từng thời kỳ của nền mỹ thuật đương đại. “Những năm 1990 vàng son của hội họa Việt Nam thời kỳ đổi mới, Heritage đã từng có một bộ sưu tập tranh minh họa thật giá trị với sự tham gia của rất nhiều những tên tuổi họa sĩ tiên phong. Chính bởi vậy, qua chùm tranh của các họa sĩ như Quách Đông Phương với bộ tranh “Cóc là cậu ông trời”(Heritage tháng 11/1997), Đặng Xuân Hòa với “Sự tích trăm trứng” (Heritage tháng 1/1999), Phạm Quang Vinh với “Sự tích cây khế” (Heritage tháng 5/1999), Đào Anh Khánh với “Sự tích con muỗi”(Heritage tháng 9/1997), Hoàng Hồng Cẩm với “Chú cuội ngồi gốc cây đa” (Heritage 9/1999)... mà hiện tạp chí sở hữu, cả một phong cách của nền mỹ thuật Việt Nam thời kỳ này đã được “lưu lại”, bởi các họa sĩ đều giữ nguyên phong cách sáng tác trong bộ tranh minh họa của mình. Mỗi họa sĩ cũng vẽ bằng chất liệu sở trường của mình, vì thế các bộ tranh không chỉ được minh họa theo cách tả thực, mà nhiều bộ còn theo lối pop art, trừu tượng, ấn tượng...”, đại diện BTC cho biết.
Dự kiến các triển lãm tranh minh họa truyện cổ tích này sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm. Bên cạnh đó, chương trình đấu giá tranh để gây “Quỹ từ thiện hỗ trợ trẻ em vùng cao” của tạp chí Heritage cũng được tổ chức vào ngày 27/4 tới, với việc đấu giá các bộ tranh minh họa gốc cùng một số tác phẩm được lựa chọn trong triển lãm.
Triển lãm cũng giới thiệu thêm các tác phẩm sáng tác độc lập của họa sĩ, để người xem thêm cơ hội so sánh phong cách sáng tác của các họa sĩ giữa các bộ tranh minh họa và tác phẩm sáng tác, qua đó thưởng thức các xu hướng sáng tác của hội họa Việt Nam thế kỷ 21. |
A.Minh