Đa dạng sản phẩm để hút khách
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là điểm đến luôn có sự vận động, đổi mới để thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Sau COVID-19, Bảo tàng đã nhanh chóng phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức nhiều tour mới lạ, hấp dẫn, gắn với tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc và nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị.
Năm 2021, Bảo tàng phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist tổ chức tour bộ hành “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” giúp du khách thấy được giá trị nổi bật của các công trình, phong cách kiến trúc, sự giao thoa văn hóa nước ta với phương Tây đầu thế kỷ XX...
Năm 2022, đơn vị này ra mắt tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo - Làng trong phố” đúng dịp cây hoa gạo cổ thụ tại Bảo tàng khoe sắc thắm, đỏ rực một góc trời Hà Nội; tour “Về thời Hồng Bàng” nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Hai tour tham quan này đã trở thành thường niên. Riêng tour “Về thời Hồng Bàng” có thể diễn ra quanh năm cho các gia đình, trường học khi được yêu cầu; giúp người dân, nhất là trẻ em tìm hiểu về nguồn cội dân tộc qua những tài liệu, hiện vật, bảo vật quốc gia thuộc Văn hóa Đông Sơn, Vua Hùng.
Đến năm 2023, tour đêm “Thanh âm Đồng Cổ” trong chùm tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo - Làng quê hồn Việt” lần đầu tiên ra mắt tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Trong tour đêm này, du khách được “giải mã” bí ẩn hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ - bảo vật quốc gia số 1 của Việt Nam để hiểu về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Việt cổ; trải nghiệm đánh trống, lắng nghe thanh âm trống đồng và nhiều trải nghiệm thú vị về đêm...
Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan chia sẻ, chương trình tham quan “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” đã được đông đảo công chúng đón nhận dù chỉ diễn ra đúng thời điểm hoa gạo nở một lần duy nhất trong năm. Tour này đã thực sự gợi nhớ ký ức về quê hương cho mỗi người, mang đến giá trị khám phá với thế hệ trẻ, du khách nước ngoài lần đầu tiên trải nghiệm. Từ đó, du khách, nhất là người trẻ tuổi có thêm tình yêu, cảm hứng để khám phá các giá trị văn hóa sâu sắc hơn. Việc tổ chức tour đêm với điểm nhấn về giá trị của trống đồng đã tạo hiệu ứng tốt về thẩm mỹ và cảm xúc. Đây cũng chính là nét riêng tạo sức hút cho sản phẩm.
Việc kết hợp với đơn vị lữ hành tổ chức tour đã mở ra hướng đi mới cho các bảo trong việc đa dạng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng; đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng.
Tour du lịch văn học “chữ Tâm - chữ Tài” của Bảo tàng Văn học Việt Nam phối hợp với Công ty Du lịch Bền vững Vietnam (S.T.I.D) thực hiện từ cuối tháng 12/2022 đang mang lại sự hứng khởi, thu hút đông đảo công chúng tham gia. Trong 90 phút, tour này đưa du khách tới gần hơn với tác giả, tác phẩm, nhân vật văn học thông qua trải nghiệm nhẹ nhàng, giàu cảm xúc; quan trọng là đã góp phần giúp di sản văn học có sức sống mới, tạo thêm sản phẩm độc đáo của Hà Nội.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch bền vững Vietnam cho hay, sản phẩm du lịch mới này góp phần khai thác tinh hoa văn học của Việt Nam; được kỳ vọng sẽ tạo được điểm du lịch hấp dẫn cho người yêu văn chương, du khách trong và ngoài nước.
Hội An - điểm đến được du khách trong và ngoài được lựa chọn đến nay đã xây dựng, đưa vào hoạt động 6 bảo tàng, khu trưng bày chuyên đề (khu trưng bày lịch sử - văn hóa, khu trưng bày truyền thống cách mạng, Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Văn hóa dân gian và Bảo tàng Nghề y truyền thống). Năm 2022, các bảo tàng đã đón gần 258.600 lượt khách tham quan, tìm hiểu; trong đó có hơn 96.800 khách quốc tế; quảng bá, giới thiệu rộng rãi hình ảnh di sản văn hóa thế giới. Mới đây, Hội An đã quyết định đầu tư 3 tỷ đồng để thành lập bảo tàng hương liệu, thổ sản Hội An - Quảng Nam nhằm tạo thêm điểm tham quan, trải nghiệm, kết nối, trao đổi sản phẩm văn hóa tại bảo tàng...
Tài nguyên quý báu cần được khai thác hiệu quả
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), du lịch bảo tàng được xem là con đường ngắn nhất để du khách tìm hiểu văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc. Bảo tàng ở mỗi quốc gia không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, nét tinh túy của nhân loại, mà còn tạo ra những giá trị vật chất cho nền kinh tế. Các bảo tàng như Louvre (Pháp), Ermitage (Nga), bảo tàng Anh quốc (Anh)… mỗi ngày có hàng vạn lượt khách đến tham quan. Báo cáo của IBIS World về ngành công nghiệp bảo tàng ở Mỹ cho thấy, doanh thu từ bảo tàng năm 2019 ước đạt khoảng 13 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2014 - 2019 là 3,4%. Số lao động làm việc trong ngành là hơn 100.000 người và có trên 10.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.
Việt Nam có hơn 160 bảo tàng, trong đó gần 40 bảo tàng ngoài công lập. Các thiết chế văn hóa đặc biệt này đang lưu giữ và phát huy giá trị của hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước, con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử. Trong số này có 101 hiện vật và nhóm hiện vật đặc biệt quý hiếm, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia (trên tổng số 142 bảo vật quốc gia).
Tuy vậy, số lượt khách đến tham quan các bảo tàng ở Việt Nam còn quá nhỏ bé so với nhiều bảo tàng trên thế giới và so với lượng khách quốc tế, khách nội địa hàng năm ở nước ta. Trong số bảo tàng thu thập được thông tin, gần 51% bảo tàng có thu phí (vé) tham quan, số còn lại miễn phí cho khách tham quan...
Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Dương Đình Hiền (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch), các bảo tàng nổi tiếng luôn là điểm đến không thể thiếu trong chương trình du lịch. Du khách tham quan đông đã mang lại nguồn thu lớn, góp phần bảo tồn, tôn tạo, mở rộng quy mô và hiện vật trong bảo tàng, đồng thời thúc đẩy ngành Du lịch của các quốc gia trên phát triển. Việt Nam có hệ thống bảo tàng phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đa số các bảo tàng nước ta hiện nay mới chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, hoặc là những điểm đến hấp dẫn du khách.
Lượng khách đến bảo tàng từ vài trăm lượt người mỗi ngày trở lên chỉ ở một số bảo tàng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh...
Bảo tàng Hồ Chí Minh có lượng khách đông nhất với lượng khách trung bình từ 1-1,5 triệu khách mỗi năm. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có doanh thu lớn nhất, khoảng 12 tỷ mỗi năm, được bình chọn trong danh sách 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á cùng với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh. Các bảo tàng còn lại đón được số lượng khách không đáng kể; hầu hết đều chưa gắn kết với chương trình du lịch và chưa thu được tiền từ hoạt động tham quan của du khách.
Theo các chuyên gia, ngành Bảo tàng cần xác định rằng công ty du lịch cũng là khách hàng của bảo tàng và khách du lịch là một phần làm cho bảo tàng ấy có giá trị. Vì thế, bảo tàng cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn với công ty du lịch để có các sản phẩm độc đáo, thu hút du khách. Đồng thời, cần nghiên cứu mô hình xã hội hóa hoạt động của bảo tàng theo hướng tạo điều kiện và khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng và quản lý. Các bảo tàng cần đầu tư, nâng cấp để mang lại hiệu quả kinh tế từ việc phục vụ khách du lịch.
Một khâu nữa cần lưu ý là hiện đa số các khâu trong hành trình du lịch đều có thể được thực hiện trên môi trường số. Việc kết nối các di sản, danh thắng với nền tảng du lịch số là cần thiết thiết. Các bảo tàng, khu di tích, danh thắng cần nghiên cứu áp dụng hình thức bán vé tham quan trực tuyến, hỗ trợ du khách thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng dịch vụ... Những việc này khi phối hợp hiệu quả sẽ tạo nên trải nghiệm rất thuận tiện cho khách du lịch.