Dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng trao Giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo tồn và xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt dèng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung nhấn mạnh: Nghề dệt dèng của tộc người Tà Ôi ra đời sớm và hiện đang được duy trì và phát huy. Những tấm dèng là lễ vật không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng, mọi người trong làng đến với lễ hội hay những sự kiện quan trọng bằng dèng và những trang phục được làm nên từ dèng, làm nên nét đặc trưng riêng biệt cả tộc người Tà Ôi nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc ở A Lưới nói chung.
Nghề dệt dèng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia . Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Như vậy, sau ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề dệt dèng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ hai của Thừa Thiên - Huế được tôn vinh. Đây là điều kiện thuận lợi để UBND huyện A Lưới sẽ tiếp tục bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nghề dệt dèng.
Qua đó, góp phần quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt dèng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt dèng, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.
Đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người dân lúc nhàn rỗi; khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng thông qua các tour, tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề... góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở A Lưới.
Để tạo nên một tấm dèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự khéo léo, tỉ mỉ trong việc đính cườm tạo đã nên những hệ hoa văn độc đáo.
Mỗi sản phẩm dệt dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi.
Hiện nghề dệt dèng ở A Lưới đang tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong lúc nhàn rỗi; đồng thời có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng thông qua phục vụ các tour, tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề…