Chương trình quy tụ hơn 300 nghệ nhân cây cảnh, hoa phong lan đến từ 20 đơn vị sinh vật cảnh trên toàn quốc. Tại đây, hơn 1.000 tác phẩm cây cảnh và hoa phong lan, với đa dạng thể loại, chủng loại được trưng bày, triển lãm thế đẹp, độc lạ theo từng khu vực, đơn vị tham gia. Tất cả tạo nên một không gian nghệ thuật sắp đặt hoành tráng, ấn tượng tại vườn Thiệu Phương và vườn Cơ Hạ (Đại Nội Huế).
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, đây là cơ hội để kết nối các nghệ nhân sinh vật cảnh trên toàn quốc, đồng thời giúp họ có "sân chơi" giới thiệu những tác phẩm cây cảnh, hoa phong lan đặc sắc nhất đến du khách. Sự hội tụ của những "kỳ hoa, dị thảo" qua các kỳ trưng bày, triển lãm đã góp phần tái hiện lại không gian sống động, khơi dậy giá trị của những khu vườn thượng uyển nổi tiếng của Kinh đô Huế xưa.
Triển lãm hứa hẹn sẽ đem đến nhiều cảm xúc, giá trị tốt đẹp đối với các nghệ nhân trong, ngoài tỉnh, cùng khách du lịch trong nước và quốc tế; gắn kết, tôn vinh tay nghề của các nghệ nhân sinh vật cảnh trên toàn quốc, tạo động lực cho phong trào sinh vật cảnh ngày càng phát triển - ông Hoàng Việt Trung nhấn mạnh.
Triển lãm diễn ra trong 5 ngày. Người dân, du khách khi đến Đại Nội Huế sẽ được chiêm ngưỡng các màn trình diễn tay nghề, tạo tác cây cảnh của các nghệ nhân ba miền (sáng 22/6); chương trình biểu diễn hòa tấu, âm nhạc trong không gian kiệt tác vườn cung đình Cơ Hạ - một trong những vườn ngự uyển của triều Nguyễn (tối 21/6). Bên cạnh đó, hàng trăm nghệ nhân cây cảnh, hoa phong lan được giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thông qua diễn đàn của chương trình (sáng 23/6).
Lễ bế mạc và trao giải cho các tác phẩm tham gia chương trình diễn ra chiều tối 25/6.