Hình ảnh vị võ tướng xưa qua bức truyền thần cổ

Sát cánh bên Tổng đốc Hoàng Diệu - người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội là Võ Phó bảng Nguyễn Văn Hậu. Bức chân dung của Võ Phó bảng là tác phẩm nghệ thuật không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn là một hiện vật lịch sử quý báu.


Chân dung vị Phó tướng


Tình cờ chúng tôi được chiêm ngưỡng bức tranh cổ về vị Phó tướng cùng Tổng đốc Hoàng Diệu bảo vệ thành Hà Nội đến phút giây cuối cùng. Đó là hình ảnh một quan võ uy nghiêm với ánh mắt tinh anh, sống động trong bộ triều phục. Một bức tranh cổ thể hiện nghệ thuật truyền thần tinh tế hiếm có của người xưa đã giúp phác họa phần nào chân dung vị võ tướng.

 

Bức ảnh truyền thần chân dung Võ Phó bảng
Nguyễn Văn Hậu.


Nhân vật trong tranh là cụ Võ Phó bảng Nguyễn Văn Hậu (tên hiệu Nguyễn Long). Võ Phó bảng vốn quê Gia Định xưa (TP Hồ Chí Minh bây giờ). Thi đỗ khoa võ năm Canh Thìn, Phó bảng Nguyễn Long được bổ nhiệm làm thủy vệ phó quân cơ, hỗ trợ cho Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu trấn giữ những cửa sông tại Hà Nội.


Tạp chí Tri Tân số 9 năm 1941, ở mục Sử liệu sống có bài ghi chép với nhan đề “Một chuyện tù sổng” mô tả hai cụ Phó bảng Nguyễn Long và Võ cử Nguyễn Đình Trọng đã cùng xông pha bắt được 12 tên giặc cướp đã đâm chết chủ ngục rồi bỏ trốn khỏi nhà ngục thành Hà Nội năm 1881.


Ngàn năm áo mũ


Bức chân dung cổ vị Phó tướng của Hoàng Diệu là một bức tranh truyền thần hiếm gặp ở giai đoạn đầu thế kỷ 20. Bức tranh khá rộng, có kích thước 45x75cm được vẽ cách đây hơn 100 năm thể hiện thông qua bút tích của họa sĩ đương thời để lại trên bức tranh cũng như dấu triện của vua triều Nguyễn còn trên tranh. Rất tiếc, tên người vẽ không được lưu lại, dù qua nét vẽ đủ thấy tài năng lớn của người cầm cọ.

 

Bức ảnh cụ Võ Phó bảng được thờ ở nhà người cháu nội Nguyễn Ngọc Quý.


Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, người từng bày tỏ mong muốn đưa bức tranh về Viện Bảo tàng lịch sử để lưu giữ và trưng bày cho biết: “Đây là một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa nhất định trong việc tìm hiểu phong cách vẽ truyền thần hay chừng mực nào đó là vẽ chân dung ở đầu thế kỷ trước. Việc lưu giữ những tác phẩm như thế này sẽ góp phần đóng góp vào việc tìm hiểu lịch sử nghệ thuật của đất nước nói chung.”

 

“Nguyễn Long là con trai quan suất đội Nguyễn Văn Nghĩa, cháu quan Nam thiên thượng trấn tổng trấn Nguyễn Văn Luận, làm thủy vệ quân cơ hồi quân Pháp hạ thành Hà Nội năm Nhâm Ngọ (1882), sau quyền nhiếp phủ Đa Phúc, đi giám sát trường Nam, có sự bất đồng với quan chủ khảo, xin cáo hồi”- Tạp chí Tri Tân số 6 năm 1941.


Chân dung vị võ quan được vẽ với bút pháp truyền thần tả thực nên thể hiện rõ từng nét mặt cương nghị. Bút pháp truyền thần diễn tả được những nét vờn ở râu, tóc khá tỉ mỉ. Cùng với đó, trang phục như mũ, áo, đai, hài… được thể hiện bằng những mảng màu nguyên khối khá lớn làm nền cho các họa tiết khiến phần trang phục rất sinh động và rõ ràng. Nếu được lưu giữ tốt, bức tranh cũng sẽ là một cứ liệu giúp nghiên cứu về trang phục của các bậc võ quan xưa.


Bức tranh hiện được lưu giữ tại nhà riêng cháu nội cụ Nguyễn Long là ông Nguyễn Ngọc Quý (57 tuổi, số 36 Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội). Trao đổi với chúng tôi, ông Quý tâm sự: “Bức tranh và sự nghiệp cụ Võ phó bảng Nguyễn Long mãi là niềm vinh dự và tự hào của cả dòng tộc. Trong những năm chiến tranh, lớp lớp con cháu cụ Nguyễn Long đi theo kháng chiến, kiến quốc, nỗ lực tiếp nối và gìn giữ truyền thống cha ông”.


Tuy nhiên do không có nghiệp vụ về bảo tồn nên con cháu của cụ Nguyễn Long rất lo lắng bức tranh sẽ bị xuống cấp theo thời gian. Hiện nay bức tranh đã bị rạn nứt vài chỗ, có chỗ đã rách rời và bị ố màu. “Hiện gia đình chỉ có một ước nguyện nhỏ là muốn các chuyên gia về khảo cổ, bảo tồn giúp đỡ gia đình bảo quản, phục chế bức tranh vì hiện nhiều nét mực vẽ, giấy của bức tranh đang có dấu hiệu bị hư hỏng”.


Ông Quý cũng cho biết thêm, hiện phần mộ cụ Võ Phó bảng Nguyễn Long nằm ở thôn Cam, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.


Giá trị của bức tranh cũng như vị trí của nhân vật trong tranh trong lịch sử cận đại Việt Nam còn cần nhiều nghiên cứu, nhưng với một hiện vật lịch sử từ hơn 100 năm trước, rất cần sự góp sức của các nhà khoa học để xác định, bảo tồn.

 

Bài và ảnh: Lê Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN