Hầu đồng, văn hóa dân gian cổ người Việt

Những nghiên cứu, hội thảo trong nước, quốc tế về Đạo Mẫu và nghi thức Hầu đồng trong xu thế đề cử di sản văn hóa phi vật thể thế giới, đang làm sống lại một nền văn hóa dân gian đặc sắc của người Việt. Những buổi trình diễn hầu đồng được được phục dựng công phu, nhằm tái hiện chân thực cung cách hầu đồng của người Việt cổ càng khiến người Việt Nam tự hào về một nền văn hóa đẳng cấp từ thời phong kiến.


Theo chân TSKH. Nguyễn Bích Tuyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn dịch vụ và Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường (TECOS), người có hàng chục năm nghiên cứu về tâm linh, tôi đã có cuộc chuyện trò với Cậu Lưu Ngọc Đức ngay tại 16 Hàng Hành (Hà Nội), nơi có Đền thờ Quan Tam phủ.


Cậu Đức hầu Thánh tại Đền thờ Quan Tam phủ 16 Hàng Hành.


Câu chuyện của Cậu Đức khiến tôi như lạc vào một thế giới tâm linh của đạo thờ Tứ phủ. Như lời cậu nói, con người sống ở trên đời, mong trời mưa thuận gió hòa, mong đất sinh sôi nẩy nở lương thảo hoa trái, mong lên non không gặp rắn rết hùm beo lam sơn chướng khí, mong nước không hủy hoại cuốn trôi nhà cửa, hoa màu. Từ niềm mong ước ấy, ban đầu người Việt cổ thờ Tam phủ gồm Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ. Khi đó, biểu tượng xanh là màu của Thiên phủ, vàng là màu Địa phủ còn trắng là màu Thủy phủ. Đến triều Lê xảy ra hai sự kiện.


Một là Bà Liễu Hạnh công chúa giáng sinh. Bà được xếp vào hàng Tứ Bất tử, Thần chủ của đạo thờ Tứ phủ. Hai là câu chuyện dã sử tương truyền về một đàn đom đóm kết đèn dẫn đường trong đêm Lê Thái Tổ hành quân đánh trận Xương Giang, Chi Lăng giết chết Liễu Thăng. Khi ca khúc khải hoàn, ban thưởng công lộc cho tướng sĩ, sắc phong cho các vị linh thần âm phù xã tắc, Lê Thái Tổ không quên hình ảnh đàn đom đóm kết đèn dẫn đường. Nhà Vua mộng thấy một quản chưởng mặc áo trắng nói rằng “Ta là quản sơn chưởng lâm. Ta cho biến thành đom đóm dẫn đường cho nhà Vua giết giặc”. Vua Lê Thái Tổ đã sắc phong bà là “Nhạc phủ Lê Mại Đại Vương Hiệu Viết Bạch Anh chưởng sơn lâm công chúa”. Từ đó, Nhạc phủ ra đời, đạo thờ Tứ phủ chính thức hình thành. Cũng từ đó, màu đỏ là biểu tượng của Thiên phủ, màu xanh trả lại cho Nhạc phủ (rừng xanh).


Cậu Đức tại Kiều 5 ghế Phủ Giầy (21/8/2012), một nghi thức cầu đảo quốc thái dân an sau 68 năm mới được khôi phục.


Có nhiều người cho rằng, đạo Tứ phủ là đạo thờ Mẫu. Do Tam tòa Thánh Mẫu luôn đặt ở vị trí cao nhất của một đền thờ Tứ phủ đúng luật với vị trí Thần chủ Mẫu Liễu Hạnh. Tả hữu có Chầu Quế, Chầu Quỳnh. Thứ tới Ban Ngọc Hoàng với tả hữu Nam Tào, Bắc Đẩu. Ban Ngũ vị Vương quan đứng thứ 3 với tả hữu ông Hoàng. Cậu Đức nghĩ hơi khác. Vì đây không thể gọi là thờ đạo Mẫu riêng mà có thể gọi là đạo Tứ phủ vì còn có Vua cai quản tứ phủ. Đạo thờ Tứ phủ có trước khi Bà Liễu Hạnh công chúa giáng sinh. Đặc biệt, Vua cai quản 4 Phủ luôn có Đế và có Mẫu (công chúa), và Đế luôn đứng trên. Thiên phủ có Chí tôn Kim Khuyết Ngọc Hoàng Huyền cung Cao thượng Đế = Thiên phủ Đệ Nhất cửu Trùng Thiên Thanh Vân công chúa cai quản. Địa phủ có Chí Tôn Bắc âm phong đô Nguyên Thiên Đại Đế = Địa phủ địa Tiên Liễu Hạnh công chúa cai quản. Thủy phủ có Thủy phủ Chí Tôn phù Tang Cam Lâm Đại Đế = Thủy phủ Xích Lâm long nữ Hồ Trung Bạch Ngọc Thủy Tinh công chúa cai quản. Nhạc phủ có Nhạc phủ Chí Tôn Đông Nhạc Thiên Tề Đại Sinh nhân Thành Đế quân = Nhạc phủ Hiệu Viết Bạch Anh chưởng sơn lâm công chúa cai quản. Cậu Đức cho rằng, giống như một số dân tộc khác, người Việt cổ thờ Tứ phủ cũng là thờ sự sinh tồn của con người.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều đời theo hầu Tứ phủ (hầu bóng), cậu càng có điều kiện tìm hiểu, suy ngẫm về nghi thức hầu đồng, nhất là chầu văn được coi như là hình với bóng của nghi lễ hầu đồng. Trong các vấn đồng hầu thánh dù có nhiều giá (mỗi vị thánh là 1 giá), cung văn ngồi trên sập công đồng hát thờ ca ngợi, tán dương, dẫn giải sự tích các vị thánh, thì lời hát buông câu nhả chữ, ngũ âm phải thật chuẩn xác; y cân (khăn áo) phải chỉnh túc trang nghiêm. Còn hát văn khi có người hầu Thánh, thì vẫn phải khuôn phép về mọi mặt, nhưng có thể phong phú và thoáng hơn để tùy cơ ứng biến với từng ông bà đồng hoặc từng giá đồng có sự rộn ràng nhộn nhịp hưng phấn hơn. Đây chính là sự nhạy cảm đặc biệt, thể hiện đẳng cấp của cung văn. Chỉ cần nhìn cách ngồi, cách đảo, ra tay dấu là biết được tính cách người hầu đồng. Có như vậy mới tạo nên sự ăn ý giữa cung văn và người hầu đồng.


Trong số hàng trăm bài hát văn còn lại đến ngày nay, cũng khó khẳng định đâu là những bài nguyên vẹn từ thời cổ truyền lại. Nhưng cho dù được cải biên, được hoàn chỉnh, các bài hát văn đầy ăm ắp tình cảm quen thuộc của người dân Việt. Tại buổi hội thảo gần đây để thành lập Câu lạc bộ hát văn, cậu Đức đã đúc kết thành 4 nội dung không khác gì một bài giảng về văn học dân gian.


Đó là tinh thần yêu nước trong nội dung các bài hát văn về các vị Thánh. “Quan lớn Tuần Tranh lẫm liệt oai hùng. Bảo Dân hộ quốc nên công hàng đầu” (văn Quan Tuần). Hay “Gươm thiêng chống đất chỉ trời. Đánh đông dẹp Bắc việc ngoài binh nhung. Thanh xuân một đấng anh hùng. Tài danh nổi tiếng khắp vùng trời Nam” (văn Ông Hoàng Mười Nghệ An). Hoặc “Phò Vua dẹp giặc Liễu Thăng hàng đầu. Lệnh truyền hiệu triệu các châu. Sơn trang 8 tướng theo chầu ra binh. Mười Đồng chiến lược tung hoành. Dẹp tan giặc dữ triều đình phong công” (văn Chầu Mười Đồng Mỏ).


Đó cũng chính là cuộc sống ngày thường rất gần gũi với người dân lao động “Chầu dạy người Kinh xuống sông thả lưới. Chầu dạy người Rừng phát rẫy làm nương”. Đó cũng là cảnh đẹp non sông đất nước “Núi tiếp núi từng từng cao thấp. Cây chen cây tràn ngập màu lam. Đền thờ lập ở trên ngàn. Có con suối nhỏ vắt ngang chân đồi. Đàn có lội đua bơi rẽ sóng. Nước lung linh in bóng trăng thu”. Và hơn hết là tình cảm tâm tư con người. Khi thì rất đỗi tinh quái như Cô Bơ Hà Thành “Cô yêu ai cô cho đi võng đi dù, cô giận ai cô để giữa hồ chơi vơi”. Khi thì hào sảng như Cô Chín Sòng Sơn “Cô quạt cho gió lộng sơn hà. Quạt cho nam nữ trẻ già yên vui. Quạt cho hoa nở núi đồi. Quạt cho mát rượi lòng người thế gian. Quạt cho quốc thái dân an. Cho trăng sáng tỏ, cho tan mây mờ”.


Thông thường trong các vấn hầu đồng Đức thánh Trần, thường hầu 4 giá tôn thất Trần Hưng Đạo, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Vương cô Đệ nhất Quyên Thanh công chúa, Vương cô Đệ nhị Đại Hoàng công chúa. Nhưng đã xuất hiện thêm hai giá hầu không phải thuộc hàng tôn thất là Cô Bé Cửa Suốt và Cậu Bé Cửa Suốt. Theo Cậu Đức, đây chính là hình ảnh của người dân lao động trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, và đây cũng là cuộc kháng chiến toàn dân.


Khi tôi muốn biết vấn hầu đồng nào cậu nhớ trong lòng nhất, thì Cậu Đức đã không kể về những vấn hầu sang trọng, đẹp xiêu lòng người, mà lại kể về câu chuyện hầu đồng từ những năm 73 -74, khi ấy cậu khoảng 20 tuổi. 6 người một đoàn có già có trẻ lên tầu đi lễ đền Bắc Lệ (Lạng Sơn). Từ ga Bắc Lệ đi bộ vừa đến cửa đền thì gặp người dân lục tục bị dân quân tự vệ dồn ra khỏi cửa.


Cả đoàn đành đứng bái vọng từ ngoài rồi tiếp tục đi bộ theo đường sắt lên đền Châu Lục cách đó chừng 5 cây số. Nhưng rồi họ cũng chỉ còn cách đứng dưới chân núi bái vọng lên đền, vì tại đây người dân cũng không được phép “mê tín dị đoan”. Cảnh tượng này còn được lặp lại khi họ đến đền Quan Giám. Mãi cho đến 10 giờ đêm, mọi người mới đi bộ tới được đền Suối Lân. May được cụ thủ nhang mở cửa cho vào. Mệt. Đói. Nhưng một cụ già nhất đoàn như có Thánh ốp, nhất thiết đòi thủ nhang cho hầu đồng ngay trong đêm.


Đền Suối Lân lúc đó nhỏ bé đơn sơ nằm ngay ở chân núi, nơi bìa rừng. Ra suối rửa mặt, ăn qua quít cơm nắm, 6 người bắt đầu vấn hầu. Đồ lễ chỉ có ít quả quýt, vài quả cau và thuốc lá cuốn. Bà cụ hầu đồng không có đủ khăn áo hầu, chỉ có mỗi chiếc khăn phủ diện đỏ. Nhạc cụ cũng không, Cậu Đức phải vào bếp mượn bát đũa nhà đền ra gõ. Cậu còn kiêm luôn cả hát chầu, kiêm luôn cả hầu dưng đưa hương rót rượu cho bà đồng. Vậy mà vấn hầu vẫn được mấy giá, kéo đến tận sáng, ai nấy đều hoan hỉ.


Tôi tò mò hỏi về Thánh giáng, về đồng, về bóng. Cậu Đức không ngần ngại nói rằng: Thần Thánh không hiện hình tướng, Ngài chỉ có bóng. Người ngồi đồng để vô hình Bóng Thánh ngự vào. Như văn chầu bà Đệ tứ Khâm sai “Ngự đồng ảnh bóng khắp miền gần xa. Ra oai sát quỷ trừ tà. Chiêu tài tiếp lộc gần xa cho đồng”. Còn đồng có hai nghĩa, một là trẻ thơ trong sạch (nhi đồng, đồng tử). Hai là cùng, giống như người đàn ông khi hầu các chầu bà Thánh cô, thì nhập đồng từ cử chỉ, lời nói, y phục, tính cách phải đúng như phụ nữ. Còn người phụ nữ khi hầu các Quan lớn, quan Hoàng thì cử chỉ, lời nói, tính cách… lại cương trực, hiển hách như nam giới. 


Cậu Đức nói rằng, khi tái hiện nghi thức hầu đồng, người ngồi đồng như trong phủ tía lầu son, tai nghe tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng đàn tiếng hát, miệng ăn miếng trầu cay, hút điếu thuốc thơm, mũi ngửi mùi hương ngát, không gian đầy ắp lời khẩn cầu, con người thăng hoa thoát tục, như tới cõi linh thiêng, hư vô đạt tới độ “nhất thiết duy tâm đạo”, “thị thánh như thị Vương; khiến người Việt say đồng từ đời này sang đời khác.


Nguyên Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN