Đây là một hoạt động có ý nghĩa nằm trong chuỗi chương trình, sự kiện của Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất (1585 - 2035) của ông. Hội thảo với mục đích làm rõ một số vấn đề: Bối cảnh Đại Việt thế kỷ 16; thân thế, sự nghiệp, nhân sinh quan, thế giới quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm; vai trò và những ảnh hưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với lịch sử Việt Nam; di sản văn hóa liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm; xây dựng niềm tự hào của người Hải Phòng về danh nhân văn hóa, giáo dục truyền thống hiếu học, sáng tạo, trách nhiệm đóng góp xây dựng quê hương, đất nước...
Báo cáo tham luận của các đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan, các trường đại học, viện, các hội và địa phương liên quan... được sắp xếp thành 3 phần lớn: Bối cảnh Đại Việt thế kỷ 16; quê hương, thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nguyễn Bỉnh Khiêm với vấn đề chính trị, bang giao, văn hóa, giáo dục; tư liệu và di sản văn hóa liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tham luận đi sâu nghiên cứu các nguồn tư liệu về Trạng Trình từ thời kỳ trung đại đến nay. Từ đó đưa ra cách nhìn nhận tổng quan, thành tựu và thiếu sót trong nghiên cứu khoa học về Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đồng thời, làm rõ một số di sản văn hóa còn được bảo tồn, phát huy trong thời đại hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, Hải Phòng là mảnh đất địa linh, nhân kiệt. Vùng đất cổ từ ngàn xưa, được con người khai phá lập ấp, lập làng, tạo dựng cuộc sống, rồi trở thành đô thị - cảng biển, trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc và cả nước.
Trong lịch sử, vùng đất Hải Phòng là nơi Nữ tướng Lê Chân chiêu tập nhân dân, dựng trang ấp, chiêu tập quân sĩ, tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân xâm lược; là nơi có dòng sông Bạch Đằng viết lên trang sử vàng với truyền thống “Bạch Đằng Giang” ba lần đánh tan quân xâm lược; là nơi phát tích của Vương triều Mạc.
Hải Phòng có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú với hơn 500 di tích được xếp hạng các cấp, 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt quần đảo Cát Bà được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới.
Hải Phòng còn là quê hương của nhiều vị khoa bảng lỗi lạc trong lịch sử, đó là Trạng nguyên Lê Ích Mộc (Thủy Nguyên), Trạng nguyên Trần Tất Văn (An Lão), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo)… Trong đó, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị Trạng nguyên triều Mạc thế kỷ 16 mà tên tuổi, tầm vóc của ông còn âm vang mãi đến những thế kỷ sau và đến ngày nay.
Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chia sẻ, nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm đã manh nha từ thời trung đại bởi các ghi chép, bàn luận, đánh giá trong tác phẩm các bậc trí thức...
Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã có những hoạt động, những việc làm cụ thể nhằm gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những di sản của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại. Hải Phòng đã nhiều lần tổ chức hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của ông trong lịch sử dân tộc. Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đưa lễ hội Đền thờ Trạng Trình ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đặc biệt, nhằm ghi nhận, tôn vinh ông, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn, người thầy của muôn đời, danh nhân văn hóa, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định thành lập Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất của danh nhân (1585-2035), khẳng định tầm vóc lớn lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm cao của các đại biểu tại Hội thảo.
Kết quả của Hội thảo khoa học “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử Việt Nam thế kỷ 16” sẽ là những luận cứ khoa học, những sử liệu tin cậy, góp phần cho việc nhìn nhận, đánh giá chuyên sâu hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những di sản mà ông để lại cho dân tộc.