Đền Quát là nơi thờ danh tướng Yết Kiêu, Đệ nhất đô soái thủy quân đức Thánh Trần triều. Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301), người thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu. Ông là một danh tướng nhà Trần, tài đức song toàn. Ông là tùy tướng, một trong hai tướng cầm cờ tiết chế của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, có biệt tài bơi lặn, nhiều lần đục thủng thuyền giặc Nguyên Mông làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử, người có công lớn giúp nhà Trần 3 lần đại phá quân Nguyên ở thế kỷ XIII.
Ông được vua Trần phong tặng “Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thủy quân, tước hầu”. Sau khi ông mất, Vua Trần đã ban sắc phong cho dân làng Hạ Bì lập đền thờ và suy tôn ông là Thành hoàng làng. Yết Kiêu còn được lập miếu, đền thờ ở nhiều nơi, nhưng lớn nhất vẫn là đền Quát.
Khu đền Quát đã tồn tại hơn 700 năm, đến thế kỷ XVII-XVIII, đền được tôn tạo khang trang và được tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn với khuôn viên rộng 2.700 m2. Khu di tích đền Quát được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia vào ngày 28/1/1989. Năm 2017, tỉnh Hải Dương hoàn thành việc tôn tạo, tu sửa ngôi đền này. Ngôi đền đã được tu bổ theo 3 giai đoạn với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng từ sự đóng góp của du khách và nhân dân địa phương.
Lễ hội Đền Quát diễn ra vào mùa Xuân (từ ngày 10-20 tháng Giêng), mùa Thu (từ ngày 14-16/8 âm lịch). Vào dịp này, nhân dân địa phương và khách thập phương trở về vùng sông nước Hạ Bì làm lễ tạ Thành Hoàng Yết Kiêu.
Ngoài các nghi lễ truyền thống, Lễ hội đền Quát năm nay đã tái hiện nghi lễ bơi chiềng và nghi lễ dâng cỗ hộp - những hoạt động thường diễn ra trong các lễ hội đền Quát xưa.
Lễ hội truyền thống mùa Thu đền Quát năm nay chỉ diễn ra trong ngày 1/10, không tổ chức các hoạt động phần hội để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19. Những người tham gia lễ hội đều được đo thân nhiệt, khuyến cáo đeo khẩu trang. Trước đó, toàn bộ khuôn viên di tích đã được phun khử khuẩn, chuẩn bị sẵn khẩu trang tại cổng ra vào.