Hà Nội: Khai quật khảo cổ khẩn cấp kiến trúc mộ gạch

Ngày 10/10, Bảo tàng Hà Nội cho biết, đơn vị phối hợp với Viện Khảo cổ học và UBND huyện Đan Phượng bắt đầu triển công tác khai quật khẩn cấp kiến trúc gạch, theo nhận định ban đầu đây có thể là mộ gạch, tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng xem xét hiện trạng kiến trúc nghi mộ gạch trước khi khai quật khảo cổ khẩn cấp. Ảnh: TTXVN phát

Khu vực khai quật thuộc Dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường trên địa bàn xã Hồng Hà (từ đường 20m đến giáp địa phận xã Liên Hồng). Công tác khai quật nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật. Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, sẽ do Bảo tàng Hà Nội giữ gìn, bảo quản để phát huy giá trị.

Sau khi kết thúc đợt khai quật khẩn cấp, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật và báo cáo khoa học gửi về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Cục Di sản văn hóa.

Trước đó, ngày 12/5, tại khu vực thi công Dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường trên địa xã Hồng Hà phát lộ một khối gạch xây nghi là ngôi mộ cổ. UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các phòng, ban của huyện kiểm tra thực tế, phát hiện một công trình kiến trúc xây gạch cách điểm đầu tuyến đường đang thi công khoảng 800m, dưới nền đất ruộng có tuyến đường chạy qua, theo hướng Đông - Tây.

Ngay sau khi phát hiện, UBND huyện Đan Phượng đã giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện báo cáo với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đồng thời chỉ đạo UBND xã Hồng Hà và đơn vị thực hiện, tạm dừng và giữ nguyên hiện trạng công trình, cử người trông coi 24/24 giờ trong thời gian chờ khai quật khảo khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Triển khai công tác khai quật khẩn cấp kiến trúc nghi mộ gạch tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ngày 15/6 tại UBND xã Hồng Hà, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của địa phương và Viện Khảo cổ học tổ chức cuộc họp đánh giá giá trị và thống nhất phương án khai quật khẩn cấp. Căn cứ vào hiện trạng di tích, di vật đặc biệt qua loại hình vật liệu xây dựng (gạch hình chữ nhật và gạch múi bưởi) nhận định sơ bộ, đây là mộ gạch có niên đại khoảng thế kỷ I - IV, loại hình mộ táng khá phổ biến ở Việt Nam. Đặc biệt, những năm gần đây ở Hà Nội đã phát hiện và nghiên cứu mộ gạch ở Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), xã Dục Tú (huyện Đông Anh), đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm)…

Tại cuộc họp các đại biểu đã thống nhất đề xuất UBND thành phố Hà Nội sớm ra quyết định cho phép khai quật khảo cổ học khẩn cấp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật. UBND huyện Đan Phượng cũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng Hà Nội, Viện Khảo cổ học sớm lên phương án khai quật. Ngày 27/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4830/QĐ-UBND cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hà Nội khai quật khẩn cấp kiến trúc gạch phát hiện tại công trình.

Đinh Thuận (TTXVN)
Khai quật khảo cổ di tích Thành cổ Sơn Tây
Khai quật khảo cổ di tích Thành cổ Sơn Tây

Ngày 19/9, Bảo tàng Hà Nội cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 1 tại di tích Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN