Dòng chảy lịch sử trong men gốm Nam Bộ
Di sản gốm ở miền Nam không chỉ hiện diện như một loại hình thủ công mỹ nghệ, mà còn là chứng tích của lịch sử đô thị, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Nam Bộ qua nhiều thế kỷ.
Với chủ đề “Di tích khảo cổ và dấu ấn gốm Sài Gòn trong dòng chảy lịch sử”, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã giới thiệu những hiện vật tiêu biểu từ các di tích khảo cổ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo bà, gốm Sài Gòn không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn là sản phẩm của một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa - nơi mà kỹ thuật chế tác thủ công kết hợp cùng thị hiếu thị dân mới mẻ, tạo nên phong cách riêng biệt cho dòng gốm đô thị.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu tại buổi trò chuyện chuyên đề.
Nét đặc trưng của gốm Sài Gòn nằm ở sự tiết chế trong bố cục, họa tiết được vẽ tay tỉ mỉ, men màu ấm trầm. Những bình gốm, chậu hoa, lư hương… không chỉ là đồ dùng mà còn mang đậm dấu ấn thời đại, kể lại câu chuyện về một Sài Gòn xưa giao thoa Đông - Tây, truyền thống - hiện đại.
Không gian trưng bày triển lãm gốm Nam Bộ tại Đường sách Nguyễn Văn Bình.
Còn đối với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ông lại mang đến góc nhìn hệ thống về gốm Cây Mai, một dòng gốm từng phát triển mạnh tại Chợ Lớn từ cuối thế kỷ XIX.
Gốm Cây Mai được biết đến với kỹ thuật đắp nổi độc đáo thay vì vẽ men như nhiều dòng gốm khác, hoa văn được nặn thủ công rồi mới tráng men, tạo chiều sâu và cảm giác sinh động như đang chuyển động trên bề mặt. Những đề tài trang trí thường thấy gồm tứ linh, bát tiên, chim thú, hoa lá… mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian và bản sắc cộng đồng người Hoa - Việt thời bấy giờ.
Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch Hội cổ vật Thuận An, chia sẻ về gốm Lái Thiêu.
Không kém phần quan trọng trong di sản gốm Nam Bộ là gốm Lái Thiêu, được nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch Hội cổ vật Thuận An, mang đến không gian đối thoại với rất nhiều thông tin bổ ích. Gốm Lái Thiêu vốn gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân Nam Bộ: từ lu, khạp, cối xay cho đến tượng thờ, chậu hoa... Với ba dòng chính là Quảng Đông, Triều Châu và Phúc Kiến, gốm Lái Thiêu thể hiện sự đa dạng về hình dáng, màu sắc và kỹ thuật phối liệu, tùy thuộc vào từng lò, từng giai đoạn lịch sử.
“Người chơi gốm ngày nay ngoài việc sưu tầm còn cần hiểu về lịch sử, kỹ thuật và cả giá trị văn hóa của từng món đồ. Mỗi sản phẩm là một mảnh hồn dân gian, là tiếng nói của nghệ nhân gửi vào đất, vào lửa”, ông Phúc cho biết.
Từ di sản bị lãng quên đến động lực tái sinh sáng tạo
Bên cạnh việc tái hiện một kho tàng di sản phong phú, buổi trò chuyện chuyên đề cũng đặt ra nhiều câu hỏi lớn về thực trạng và tương lai của nghề gốm truyền thống ở miền Nam. Qua thời gian, khi đời sống hiện đại thay đổi, các làng nghề như Cây Mai, Lái Thiêu dần mai một; một phần do sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, phần khác đến từ việc thiếu lực lượng kế thừa trong cộng đồng.
Một góc của triển lãm gốm Nam Bộ - Dấu ấn trăm năm.
“Nhiều lò gốm đã tắt lửa, nghệ nhân ngày càng hiếm, còn thế hệ trẻ thì ít có điều kiện tiếp cận nghề. Nếu không có những chính sách cụ thể để hỗ trợ, bảo tồn và thúc đẩy sáng tạo từ di sản, chúng ta sẽ đánh mất một phần ký ức văn hóa vô giá”, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ mối lo ngại của mình.
Từ thực tế đó, các chuyên gia đã gợi mở hướng đi mới. Theo đó, không chỉ dừng lại ở việc “bảo tồn vật thể” mà cần thúc đẩy tiếp biến sáng tạo, để gốm truyền thống có thể bước vào đời sống hiện đại dưới những hình thức mới: sản phẩm thiết kế ứng dụng, nghệ thuật đương đại, nội thất, thời trang… Sự sống còn của gốm truyền thống không nằm trong bảo tàng, mà ở việc nó được hiện diện sống động trong đời sống người trẻ hôm nay.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trò chuyện với những người quan tâm về gốm Cây Mai.
Một số đề xuất cụ thể cũng đã được các nhà nghiên cứu đưa ra như xây dựng không gian trưng bày, trải nghiệm gốm truyền thống, đưa giáo dục di sản vào trường học, tổ chức hội chợ - triển lãm gốm định kỳ… để gốm không chỉ là quá khứ, mà còn là một phần của hiện tại, có sức sống và sức lan tỏa bền bỉ.
Đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, gốm không chỉ là đất, mà là ký ức văn hóa đang chờ đánh thức. Gốm Nam Bộ từ những lò nung xưa vẫn âm thầm kể chuyện qua từng nét vẽ, từng vết men nứt, từng dáng hình dân dã mà đầy hồn cốt.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn trẻ.
Để di sản không nằm yên trong bảo tàng, để lửa nghề không tắt trong lòng nghệ nhân, rất cần sự chung tay của cộng đồng, từ nhà quản lý, người nghiên cứu đến người trẻ và cả công chúng. Bởi gốm không chỉ là vật thể, mà là kết tinh của văn hóa, của ký ức và bản sắc vùng đất phương Nam.