Nền báo chí của chúng ta đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, bao gồm các loại hình báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng (báo điện tử) trong một thời gian không dài và theo khá kịp về công nghệ thông tin truyền thông để kết nối các vùng miền ở trong nước nói riêng và của khu vực, trên thế giới nói chung. Đội ngũ những người làm công tác thông tin truyền thông đã phát triển đông đảo, trình độ mọi mặt được nâng lên nhiều, tay nghề có những bước tiến vượt bậc; hình thức và phương tiện tác nghiệp đã phong phú, đa dạng hơn so với trước đây. Công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện và quản lý đội ngũ những người làm báo có nhiều tiến bộ. Báo chí đã phục vụ khá đắc lực và hiệu quả những nhiệm vụ chiến lược to lớn của đất nước…
Phóng viên báo chí luôn bám sát thực tế cuộc sống để đưa thông tin chính xác, kịp thời. Ảnh: Việt Hoàng
|
Tuy nhiên, nhìn từ giá trị văn hóa thì dường như ta đang để tuột tay mình một nền văn hóa báo chí Việt Nam có bản chất đáng quý: nghiêm túc, trung thực, giàu tính nhân văn, giàu bản sắc dân tộc, rất yêu đất nước, rất cách mạng, rất gần gũi với nhân dân, giàu sức sống và sức chiến đấu, nhất là từ khi có nền báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập từ năm 1925. Chính nền văn hóa báo chí cách mạng đó đã góp phần tập hợp, giáo dục, động viên, cổ vũ và tổ chức lực lượng cách mạng hùng mạnh làm nên những sự tích vĩ đại và giúp chúng ta chiến thắng nhiều loại kẻ thù, cho dù chúng có tàn bạo và hung hăng đến đâu. Đây là một kho báu văn hóa báo chí vô giá! chúng ta chưa biết trân trọng, bảo vệ và giữ gìn để truyền lại cho con cháu mai sau.
Chắc rằng nhiều người chúng ta đều buồn khi thấy chất lượng thông tin trên báo chí hiện nay chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của không ít tờ báo. Các loại hình báo chí rất nhiều nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc. Hàng ngày, người đọc thấy nhàm chán về những “thông tin cơm nguội”, về sự sao chép của nhau, một sự trùng lặp đến nhàm chán. Người đọc có thể thấy ngay đâu là những thông tin do các nhà báo phải dầy công đi vào thực tế để thu thập, để thể hiện một cách trung thực, khách quan, sát với cuộc sống thực của nhân dân và xã hội; đâu là những thông tin được ngụy tạo từ bàn giấy trên cơ sở các báo cáo, các điều cóp nhặt hay từ cả cú điện thoại từ xa gọi đến khiến người đọc phản cảm, không đồng tình.
Lại có những thông tin được chế tác theo đơn đặt hàng để câu khách với những nội dung giật gân, rùng rợn, thậm chí mang cả màu sắc mê tín dị đoan lồng ghép với hình ảnh của thần thánh ma quỷ. Quá nhiều thông tin đề cập đến những mặt xấu, những cái ác, cái tiêu cực trong xã hội, các vụ án ly kỳ…, trong khi xung quanh ta có nhiều việc tốt và người tốt nhưng ít được nói tới. Phải chăng những thông tin này vừa nhằm câu khách, vừa nhằm đầu độc lớp trẻ mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống và hiểu biết còn hạn chế nên dễ tin, dễ bắt chước và làm theo.
Cũng có loại hình báo chí chuyên sao chép máy móc các từ các nguồn hoặc báo chí phương Tây và nước ngoài thiếu chọn lọc và không phát hiện được những ẩn í, những độc hại, cứ thế bệ nguyên vào trong nước. Mặc nhiên, báo chí chúng ta trở thành kẻ tiếp tay không công cho những loại thông tin độc hại, thù địch này. Trong các loại hình báo chí của ta, báo mạng là loại có những thông tin gây bức xúc nhiều nhất và khó kiểm soát nhất. Bởi vì không phải tất cả những người tham gia vào báo mạng đều là những nhà báo chân chính, chuyên nghiệp mà có không ít người muốn lợi dụng loại hình báo chí này để đưa vào những quan điểm, những ý đồ không lành mạnh, không thiện chí đối với đất nước, với các tổ chức hoặc cá nhân mà họ không ưa thích để nói xấu, để xuyên tạc, để kích động những điều có hại. Cũng có những người cầm bút tự cho mình quyền hành to lớn để phê phán, chỉ trích, sục sạo vào đời tư của người khác nhằm thỏa mãn sự tức giận nào đó của họ. Thậm chí có người còn đi xa tới mức “đòi tự do báo chí mà thực chất đòi được tự do ăn nói” ngạo mạn, tự do phê phán, đả kích hoặc chống đối lại các đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong khi đó, việc đấu tranh chống lại những xu hướng độc hại này vừa yếu, vừa không thường xuyên, không sắc sảo và không quyết liệt nên không có tác dụng răn đe và ngăn chặn kịp thời.
Để giữ gìn được nền văn hóa báo chí thuần khiết Việt Nam như nói ở trên, chúng tôi nghĩ không phải là một việc dễ làm mà phải dày công, phải thường xuyên hơn, phải kết hợp nhiều binh chủng, không chỉ riêng Hội nhà báo hoặc bản thân các nhà báo làm là đủ. Phải xác định thật rõ trách nhiệm của người cầm bút là họ viết cho ai? Viết để làm gì? Viết vì lợi ích của ai?... Phải học tập phong cách viết báo của Bác Hồ và các bậc lão thành cách mạng khác. Nhà báo phải học tập và rèn luyện không ngừng nhất là về bản lĩnh, luôn luôn cập nhật kiến thức mới về các mặt và trở thành những chuyên gia giỏi về từng lĩnh vực mình viết. Các cơ quan phụ trách thông tin và văn hóa nói chung và Hội nhà báo nói riêng phải hợp lực bổ sung và củng cố những chuẩn mực văn hóa báo chí Việt Nam thật vững chắc, nhất là trong bối cảnh tình hình đất nước, khu vực và thế giới biến đổi từng ngày. Các cơ quan quản lý báo chí phải kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các qui định cho phép báo chí được làm gì, không được làm gì.
Đặc biệt phải kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các Tổng Biên tập và những người đứng đầu các cơ quan chủ quản các tờ báo; phải chỉ đạo chặt việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ những người làm báo. Báo chí phải được đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ và thường xuyên của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời phải luôn luôn được sự giám sát, nhận xét và góp ý kiến phê bình của bạn đọc và toàn thể nhân dân. Nhân dân là người đánh giá khách quan và chính xác nhất về ưu và khuyết điểm của báo chí chúng ta.
Hồ Đức Minh