Gìn giữ nghệ thuật rối nước truyền thống làng Nguyên Xá

Làng Nguyễn, hay còn gọi là làng Nguyên Xá, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, không chỉ nổi tiếng với món bánh cáy cổ truyền mà còn được biết đến như cái nôi của múa rối nước. Mặc dù nhân dân nơi đây đang từng ngày nỗ lực bảo vệ, nhưng những khó khăn trước mắt đang khiến môn nghệ thuật truyền thống này dần mất đi sự cuốn hút mà một thời nó từng là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Nỗ lực gìn giữ truyền thống quê hương

Tiếng đập nước, tiếng hát chèo xen lẫn tiếng cười trẻ thơ là những âm thanh ở thủy đình phường múa rối Nguyên Xá mà từ xa ta đã có thể nghe thấy. Thủy đình uy nghiêm nằm giữa hồ nước trong xanh, xung quanh là khán đài rộng rãi, thoáng mát.

Một góc thủy đình phường múa rối Nguyên Xá.

Ông Nguyễn Trọng Đường, trưởng phường múa rối Nguyên Xá năm nay đã 80 tuổi ngay tại khán đài của phường rối nước, tự hào tâm sự về truyền thống của quê hương mình: Con cháu ngày nay vẫn không thể biết chính xác múa rối của quê hương có tự bao giờ, chỉ biết rằng truyền thống đó có từ rất lâu và được truyền từ đời này sang đời khác.

Trước kia múa rối chỉ được biểu diễn cho vua chúa nhưng theo thời gian nó đã trở thành món ăn tinh thần của người dân quê lúa. Ông Đường cho biết múa rối thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Trước kia phường rối Nguyên Xá chỉ biểu diễn vào mỗi dịp lễ hội của địa phương. Tuy nhiên những năm gần đây, phường rối còn được các tỉnh khác mời đi biểu diễn. Ông cho biết thêm, cách đây không lâu đoàn múa rối trung ương đã đến đây, cùng ăn ở và cùng học hỏi phương thức múa rối của quê hương, bổ sung sự đa dạng cho các tiết mục của đoàn.

Anh Nguyễn Đình Trinh, 38 tuổi, một nghệ nhân múa rối trong phường vào đoàn đã được 5 năm. Bên cạnh thời gian lao động, anh vẫn cùng mọi người trong phường luyện tập và biểu diễn. Anh tâm sự: “Mặc dù những nghệ nhân trong phường còn bận mải công việc đồng áng nhưng hễ có nơi mời biểu diễn mọi người đều không ngại tham gia. Có những nhà có tới 3 thế hệ cùng trong phường rối thậm chí có nhà cả gia đình đều tham gia”. Anh Trinh cho biết hiện tại phường rối một số em nhỏ theo học và đã thành thạo việc biểu diễn.

Ông Nguyễn Bá Thắng, phó phường múa rối Nguyên Xá hàng ngày không chỉ truyền cảm hứng cho những người con yêu mến múa rối nước mà vẫn học hỏi, sáng tạo những con rối mới dù cho tuổi đã ngoài 70. Ông đã nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm những con rối được làm bằng nhựa thay thế chất liệu gỗ. Thực tế cho thấy, những con rối bằng nhựa vẫn đảm bảo tính linh hoạt, gợi hồn mỗi tích trò và hơn cả là chi phí sản xuất chỉ bằng một nửa so với chất liệu gỗ.
 
Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và những người yêu mến nghệ thuật múa rối, năm 2015 thủy đình của phường rối đã được đầu tư nâng cấp lại phần mái. Hệ thống điện sáng được đầu tư mới hoàn toàn và khuôn viên phường rối có thêm nhà khách, khán đài. Cũng trong năm 2015, một niềm vui không nhỏ đã đến với phường rối Nguyên Xá khi 5 nghệ nhân của phường được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Đó không chỉ là sự hãnh diện riêng của phường rối mà còn là niềm tự hào của nhân dân xã Nguyên Xá. Tất cả những điều đó càng làm tăng sự tự hào của những nghệ sĩ trong phường, giúp họ có thêm động lực duy trì và bảo vệ truyền thống của quê hương.

Khó khăn đang tồn tại

Phường rối Nguyên Xá hiện tại có 18 thành viên bao gồm cả nhạc công và nghệ nhân múa. Hầu hết các thành viên trong phường đều đã tới tuổi “xưa nay hiếm”. Các nhạc công của phường người biết nhiều bài hát một phần đã theo cố nhân, phần còn lại cũng không còn đủ sức khỏe để biểu diễn. Tuổi già cũng không cho phép các nghệ nhân lội bùn, ngâm mình trong dòng nước để diễn các tích trò. Trước đây có một số em nhỏ theo học múa rối nhưng một thời gian sau các em đã không thể tiếp tục.

Em Nguyễn Bá Phúc, thành viên mới 15 tuổi của phường rối chia sẻ: Trước đây có một số anh chị theo các ông học múa rối nhưng vì bận học nên phải nghỉ. Học múa rối không phải ngày một ngày hai, tiền công biểu diễn lại ít ỏi, kinh tế khó khăn nên các anh chị phải lao động đảm bảo thu nhập cho gia đình.

Được biết Nguyên Xá là một xã phát triển với các dịch vụ làng nghề, các dự án kinh tế trong địa bàn và các xã lân cận đã góp phần nâng cao thu nhập của nhân dân. Việc biểu diễn múa rối xuất phát từ sự đam mê của các thành viên, thực tế cho thấy thu nhập từ công việc này khá ít ỏi. Ông Nguyễn Bá Thắng, cho biết: Sau mỗi buổi biểu diễn các thành viên nhận được thù lao khoảng 100 nghìn đồng. So với những công việc khác thì số tiền đó là quá ít. Vì vậy, trong 10 năm trở lại đây người dân không còn mặn mà với việc học múa rối. Lớp thế hệ trẻ là một hy vọng lớn trong việc giữ gìn truyền thống của quê hương. Tuy nhiên, trong thời buổi hội nhập, ưu tiên lớn nhất của các em là những công việc mang lại thu nhập cao. Vì vậy, việc đào tạo lớp nghệ nhân kế cận, giữ gìn truyền thống của quê hương là rất khó.

Một khó khăn nữa là ở những con rối. Phường rối Nguyên Xá hiện tại có trên 150 con rối phục vụ việc biểu diễn. Những con rối này do thế hệ trước để lại, có thể xem là tài sản quý giá của nhân dân Nguyên Xá. Tuy nhiên qua năm tháng, những con rối này đã bị hư hại, mối mọt khá nhiều. Các nghệ nhân trong phường dù đã cố gắng sửa chữa nhưng nhiều con khắc phục được. Việc thử nghiệm con rối bằng nhựa mang lại hy vọng về sự linh hoạt trong diễn xuất, tuy nhiên con rối phải được sơn son thiếp vàng mới có thể bật lên vẻ đẹp chúng và thu hút người xem, điều mà con rối bằng nhựa không thể đạt được. Chi phí để sản xuất một con rối bằng gỗ từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng, phường rối lại hoạt động một cách tự quản vì thế vấn đề về kinh phí đẽo lại quân rối đang là vấn đề cấp bách và đáng lo ngại.

Anh Nguyễn Tường Thư, Trưởng ban văn hóa xã Nguyên Xã cho biết: Trong thời gian tới chính quyền xã sẽ kiện toàn lại phường rối, không để tình trạng phường tự quản mà sẽ do chính quyền chỉ đạo hoạt động. Từ đó, xã sẽ khích lệ nhân dân tham gia, bổ sung nghệ nhân mới cho phường. Về vấn đề đầu tư con rối mới, anh Thư cho biết mặc dù số tiền làm lại toàn bộ con rối là không nhỏ nhưng chính quyền xã sẽ nỗ lực huy động từ các nguồn vốn để giúp đỡ phường rối.
Nguyễn Lành
Biểu diễn múa rối nước - sản phẩm du lịch mới ở Hội An
Biểu diễn múa rối nước - sản phẩm du lịch mới ở Hội An

Bắt đầu từ ngày 2/10, UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) đã đưa nghệ thuật rối nước vào phục vụ du khách khi đến thăm quan Di sản Văn hóa thế giới phố cổ Hội An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN