Giáo sư Hà Minh Đức trao tặng sưu tập cá nhân đồ sộ

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vừa tiếp nhận bộ sưu tập cá nhân do Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức trao tặng.

GS.NGND Hà Minh Đức đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bộ sưu tập cá nhân đồ sộ, với gần 10.000 tài liệu hiện vật, đa dạng về loại hình. Trong đó, có hơn 4.000 bản ghi chép, bản thảo nghiên cứu về các tác gia văn học, được GS Hà Minh Đức thực hiện trong mấy chục năm sưu tầm tư liệu, gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn, nhà nghiên cứu. Các tài liệu cũng gồm những ghi chép của GS Hà Minh Đức về những vấn đề văn học mà ông quan tâm. Tất cả được GS Hà Minh Đức sắp xếp một cách khoa học theo vấn đề và trình tự thời gian.

GS.NGND Hà Minh Đức và PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại lễ tiếp nhận hiện vật.

Trong bộ sưu tập tài liệu được GS Hà Minh Đức trao tặng lần này, có những ghi chép về các nhà văn nhà thơ như Nam Cao, Tô Hoài, Xuân Diệu, Anh Thơ, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi… Hàng trăm bản ghi chép về quá trình nghiên cứu tác giả Nam Cao từ năm 1958, khi GS Hà Minh Đức bắt đầu bước vào con đường nghiên cứu khoa học, hàng chục bản ghi chép các buổi nói chuyện với nhà văn Tô Hoài từ năm 1958, hàng chục bức thư trao đổi với nữ sĩ Anh Thơ, những bản ghi chép trong những chuyến công tác cùng nhà thơ Huy Cận… cho thấy sự công phu, chỉn chu của GS Hà Minh Đức trong việc thu thập và xử lý tài liệu.


Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức sinh năm 1935 tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm năm 1957 và trở thành cán bộ giảng dạy của trường Đại học Tổng hợp mới thành lập. Tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, giảng viên Hà Minh Đức đã đảm nhiệm nhiều trọng trách: Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ văn (1987-1988), Chủ nhiệm khoa Báo chí (1990-2000). Năm 1995, ông được giao thêm nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Văn học, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học (1995-2003). Suốt cuộc đời, thầy giáo Hà Minh Đức miệt mài, tâm huyết với hai công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ông được phong học hàm Giáo sư Văn học năm 1991, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2000.

Những tư liệu quý giá trong bộ sưu tập cá nhân của GS.Hà Minh Đức.

Sự nghiệp nghiên cứu của GS Hà Minh Đức bắt đầu từ khá sớm, mở đầu bằng tác phẩm “Nam Cao- Nhà văn hiện thực xuất sắc” ông viết năm 1961, với lời tựa của nhà văn nổi tiếng Tô Hoài. Trong quá trình nghiên cứu, ông tự xác định cho mình con đường đi riêng, với ba trọng điểm: Thứ nhất, những vấn đề lý luận văn nghệ, văn học Việt Nam thế kỷ XX; Thứ hai, nghiên cứu về văn thơ, báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thứ ba, nghiên cứu về các nhà văn, nhà thơ trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông có sức viết dẻo dai, sức lao động bền bỉ và sáng tạo ở nhiều thể loại: chuyên luận, nghiên cứu, lý luận phê bình về văn chương và báo chí, bút ký văn học…. Dấu ấn Hà Minh Đức thể hiện rõ qua khối lượng các tác phẩm, có thể kể đến như: “Nhà văn và tác phẩm” (1971); “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại” (1974); “C. Mác, Ph. Ănghen, V. I. Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ” (1982); “Thời gian và trang sách” (1987); “Nam Cao - Đời văn và tác phẩm” (1997); “Nguyễn Bính - thi sĩ của đồng quê” (1994); “Tô Hoài - sức sáng tạo của một đời văn” (2010); “Tế Hanh - Mãi mãi hoa niên” (2012)… Đặc biệt, cụm công trình “Văn học Việt Nam hiện đại và lý luận văn học” đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001), cũng như cụm công trình “Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam” (2012), cùng nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý khác, đã khẳng định đóng góp quan trọng của Giáo sư Hà Minh Đức trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật của nước nhà.


Buổi lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật cũng là dịp để học trò, đồng nghiệp của ông có cơ hội chia sẻ những kỷ niệm, những câu chuyện đã trở thành ký ức sâu nặng về người thầy – GS.NGND Hà Minh Đức. Đồng thời, thông qua khối tài liệu lớn và quý giá có được từ cả cuộc đời lao động khoa học, nay dành tặng cho các thế hệ sau, buổi lễ là dịp tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của Giáo sư Hà Minh Đức trong sự nghiệp nghiên cứu văn học, trong lĩnh vực báo chí, trong công tác đào tạo, giảng dạy và quản lý.


Phương Lan
Tiếp nhận hơn 8.000 tài liệu hiện vật của GS Phong Lê
Tiếp nhận hơn 8.000 tài liệu hiện vật của GS Phong Lê

Ngày 25/9/2016, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu, hiện vật về lịch sử cuộc đời GS Phong Lê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN