Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Phùng Quang Trung, Viện Nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có từ lâu đời, nhằm tưởng nhớ ân đức của tiền nhân đã có công với dân tộc, trong hệ thống thờ Mẫu, tái hiện lại các hình tượng, các bậc tiên thánh, nam thần, nữ thân, các vị Quan lớn, bà Chúa, ông Hoàng, thánh Cô, thánh Cậu... Trong dịp này, quy tụ được các nghệ nhân ưu tú, các thanh đồng, đạo quan đã có nhiều năm góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét trong sáng của đạo Mẫu.
Ông Đinh Xuân Phong, Tổng Biên Tập Nhà xuất bản Thể Thao và Du lịch cho rằng, chương trình không chỉ tôn vinh các nghệ nhân thanh đồng, có công bảo tồn phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu, mà còn là nơi giao lưu học hỏi cách thức kinh nghiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Thông qua các giá hầu đồng nhằm nhân rộng và lan tỏa tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, hiểu sâu sắc hơn về di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, để lại ấn tượng tốt đẹp, giúp nhân dân được trải nghiệm, hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ đó, cùng chung tay gìn giữ nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt quá trình hoạt động của Viện nghiên cứu Văn Hóa Tín ngưỡng Việt Nam trong hành trình bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tại buổi giao lưu, các thanh đồng, đạo quan đã thực hiện các Nghi lễ thờ Mẫu, trong đó nổi bật là Nghi lễ hầu đồng - một Nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngoài ra các Nghi lễ khác đều là các hoạt động văn hóa đa sắc màu dân tộc, tạo điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động văn hóa; là tín ngưỡng bản địa của các dân tộc Việt Nam. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.