Người tuổi Gà Trương Nhuận (Đinh Dậu, sinh năm 1957) ấy đã có những chia sẻ rất chân tình về mình, về nghề, về đời, nhân dịp bước sang năm Đinh Dậu.
Người tuổi Gà bên bức tranh Gà Đinh Dậu. |
Anh có thể mô tả về cái tuổi con Gà của mình?
Với tôi, cảm nhận về ngưỡng của tuổi tác giờ đây đã rất rõ, cũng đến lúc mình nên nhường lại công việc và chuyển giao điều hành cho thế hệ lãnh đạo mới, sau khi đã gây dựng thành công thương hiệu cho Nhà hát Tuổi trẻ.
Bước vào năm mới Đinh Dậu, cũng là đến giai đoạn chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo mới của Nhà hát Tuổi trẻ, để tiếp tục đưa Nhà hát trở thành một trong những thương hiệu có sức lan tỏa, được khán giả cả nước yêu mến và ngày càng phát triển trong tương lai. Đó chính là tâm nguyện năm mới của tôi!
Cũng như các con giáp khác, đã có sẵn những nhận định về tính cách người tuổi Gà. Với cá nhân tôi là một người tuổi Gà, ngẫm lại có nhiều nhận định tương đối sát. Có những điều cá nhân mình tự chiêm nghiệm, để tránh những điều chưa được tốt và qua đó tự hoàn thiện mình cho tốt hơn.
Là người tuổi Gà, đồng thời tôi lại mang mệnh hỏa. Thường những người tuổi Gà thì hay nóng tính, bộp chộp, thiếu chín chắn; nhưng riêng cá nhân tôi, có thể do nghề nghiệp, một phần đã từng là giáo viên, đứng trên bục giảng 10 năm, nên lại hết sức nền tính, sống rất nhu hòa và khiêm nhường.
Có thể hiểu rằng phần mệnh hỏa nóng tính đấy đã được chìm khuất, nằm trong khát vọng, ý chí, mong muốn cháy bỏng để xây dựng thương hiệu của đơn vị nghệ thuật mà mình là người lãnh đạo.
Trong những tính cách của người tuổi gà, có những tính cách nào anh thấy “trội” ở mình và những tính cách nào “lặn”? Và những tính cách ấy đã giúp anh trong công việc như thế nào?
Tính hiếu thắng của người tuổi Gà là một động lực, nhưng cũng đồng thời là một hạn chế.
Mình phải biết điều tiết điều ấy làm sao để nó phù hợp với mục đích của từng công việc cụ thể và đặt cho mình những mục tiêu cụ thể để hoàn thành được mục đích mà mình đã đặt ra.
Mặt khác, nó cũng giúp mình tự nhìn nhận, tự khắc phục những tính hiếu thắng, tránh sự khoe mẽ không cần thiết về mặt hình thức. Ví như thông thường thì người ta hay hứa rất nhiều, nhưng thực hiện không được bao nhiêu; như vậy sẽ làm giảm uy tín, cũng như sự tin cậy của mọi người đối với mình.
Mình phải cố gắng làm sao khi đã hứa điều gì thì phải làm được, phải thực hiện được, nhất là đối với vai trò người lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật đa dạng, có hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên; mỗi người đều có một tâm tư, chia sẻ rất riêng.
Người lãnh đạo phải thấu hiểu, chia sẻ được, thì mới có thể tạo nên được lòng tin, sự tin cậy của mọi người đối với mình. Về điều này, ngẫm ra trong thời gian 5 năm làm giám đốc của Nhà hát Tuổi trẻ, tôi đã tạo được niềm tin đối với cán bộ, nghệ sỹ diễn viên; đã chia sẻ, giúp đỡ được với anh em nghệ sĩ khi khó khăn, hoạn nạn; đồng thời tạo điều kiện cho họ có cơ hội phát triển trong công việc chung, cũng như trong hành trình phát triển sự nghiệp riêng.
Người tuổi Gà ấy bên các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ. |
Một người tuổi Gà bao năm phải chèo lái một nhà hát thuộc “hạng nhất” trong làng sân khấu phía Bắc, cũng là Nhà hát gánh rất nhiều trách nhiệm trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại của ngành văn hóa; có những thuận lợi, khó khăn gì mà anh gặp phải?
May mắn tôi vốn là người phụ trách biểu diễn và đối ngoại của Nhà hát Tuổi trẻ từ khi còn ở cương vị của Phó giám đốc. Kinh nghiệm tiếp xúc với những tổ chức, các trung tâm văn hóa của nước ngoài, cũng như những kinh nghiệm nhờ được đào tạo bài bản về marketing trong nghệ thuật biểu diễn ở Anh trong thời gian tôi thực tập ở Nhà hát Hoàng gia Anh; đã giúp tôi rất nhiều trong công việc làm CEO, điều hành ở một nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp.
Trong nhiệm kỳ làm giám đốc của mình, điều mà tôi tâm niệm và cảm thấy hài lòng là tôi đã tạo được ra thương hiệu, uy tín nghệ thuật cho Nhà hát Tuổi trẻ, nhất là về góc độ đối ngoại. Đã hợp tác được với các trung tâm như: Japan Foundation (Nhật Bản), Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Nhật, Viện Văn hóa Goethe…. để dàn dựng những tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới để biểu diễn ở Việt Nam; cũng như đưa các đoàn nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ tham dự các Festival, tham dự giao lưu, biểu diễn ở các nước trong thời gian vừa qua.
Một trong những điều thành công nữa là tôi đã xây dựng được ekip cộng sự đoàn kết, gắn bó với mình trong việc điều hành phát triển thương hiệu nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ, trở thành một trong những Nhà hát hàng đầu của Việt Nam về góc độ sáng đèn biểu diễn nghệ thuật hàng đêm; kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho các chương trình nghệ thuật của nhà hát, cũng như hợp tác đối ngoại, giao lưu văn hóa nghệ thuật với đội ngũ cộng sự đắc lực như: Các Phó giám đốc NSƯT Chí Trung, NSND Lê Khanh, NSƯT Trọng Thủy… Thế hệ lãnh đạo là các trưởng đoàn nghệ thuật mới cũng đã được hình thành như: NS Như Lai (Trưởng đoàn kịch 1), NS Sĩ Tiến (Trưởng đoàn kịch 2), NS Cao Ngọc Ánh (Trưởng đoàn ca múa nhạc), NSƯT Đỗ Doãn Bằng (Trưởng phòng nghệ thuật)…
Năm 2016, ban lãnh đạo Nhà hát, gồm tôi và hai Phó Giám đốc GĐ NSƯT Chí Trung và NSƯT Trọng Thuỷ đã được trao tặng Huy chương Lao động hạng Nhì, để ghi nhận những cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ nhiệm kỳ vừa qua.
Sân khấu vẫn có một lượng khán giả riêng, tuy nhiên, người làm sân khấu cũng ngày càng phải chật vật hơn để có thể đảm bảo hoạt động cho đoàn, đời sống cho diễn viên… Trong cái khó chung ấy, điều gì đã giúp anh và Nhà hát vượt qua được?
Có thể nói rằng, Nhà hát ý thức rất rõ các hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải luôn được song hành tồn tại cùng các hoạt động mang yếu tố dịch vụ nghệ thuật; để bù đắp, nuôi dưỡng cho những hoạt động nghệ thuật đích thực.
Cho nên trong những năm qua, bên cạnh việc xây dựng các chương trình nghệ thuật đỉnh cao để tham dự tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, quốc tế và các liên hoan nghệ thuật tại các nước trên thế giới; nhà hát vẫn luôn chú trọng đáp ứng thị hiếu thưởng thức và nhu cầu của công chúng tại đô thị, các tỉnh; làm sao để thỏa mãn và thu hút được khán giả đến với sân khấu bằng các tác phẩm gắn với đời sống thường nhật, gắn với những bức xúc xã hội mà đông đảo công chúng quan tâm; cũng như đáp ứng được thị hiếu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.
Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng những tác phẩm kinh điển, có giá trị nghệ thuật cao; thì nhà hát cũng hướng đến việc xây dựng những tác phẩm đa dạng về thể loại và phù hợp với đời sống xã hội như: Chùm hài kịch, vở hài kịch dài, những vở chính kịch, kịch tâm lý, những tác phẩm sân khấu kinh điển để tạo ra sự đa dạng trong phong cách nghệ thuật... Gần như là mùa nào thức ấy, Nhà hát đã chọn những thời điểm thích hợp, những vấn đề thời sự, vấn đề xã hội quan tâm, gắn với đời sống thực tế, để xây dựng những tác phẩm nghệ thuật phục vụ khán giả.
Năm 2017 là năm Gà, với tư cách là giám đốc Nhà hát, anh đã có những kế hoạch gì cho hoạt động năm tới thêm khởi sắc. Và anh kỳ vọng gì vào bước tiến của Nhà hát trong năm gà này. Với bản thân anh, năm 2017, anh mong chờ và hy vọng vào những điều gì nhất?
Như tôi đã nói từ đầu, năm 2017 là năm chuẩn bị chuyển giao một thế hệ lãnh đạo mới cho nhà hát giai đoạn 2017 – 2022. Đáng mừng là trên cương vị là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nhiệm kỳ thứ 6, tôi đã xây dựng và chuẩn bị đội ngũ kế cận tương đối đầy đủ.
Kế hoạch làm sao có được những tác phẩm sân khấu đỉnh cao, những chương trình nghệ thuật thu hút khán giả, mang lại nguồn doanh thu cho nhà hát một cách thiết thực, cũng đã được Ban lãnh đạo Nhà hát và Hội đồng nghệ thuật Nhà hát trao đổi rất kỹ càng. Chúng tôi cân nhắc lựa chọn những kịch bản có giá trị nghệ thuật, nhưng đồng thời có sức lan toả và thu hút khán giả.
Dự kiến sẽ dàn dựng một chương trình ca nhạc tạp kỹ phục vụ khán giả nhỏ tuổi, xây dựng kịch bản từ tác phẩm “Con chim xanh” nổi tiếng của tác giả người Bỉ - Maurice Maeterlinck, người từng đoạt giải Nobel. Chương trình sẽ được đầu tư hoành tráng cả về nội dung lẫn nghệ thuật, để thu hút khán giả đến với nhà hát.
Và mở đầu năm 2017 này, NSƯT Chí Trung sẽ cùng một nhóm nghệ sỹ của Nhà hát mang chương trình ca nhạc hài kịch lưu diễn phục vụ cộng đồng người Việt ở Đài Loan (Trung Quốc) và Canada từ ngày 6-16/1/2017. Đây được coi là sự kiện mở màn cho việc khai thác thị trường mới với công chúng yêu nghệ thuật ở hải ngoại; mà nhà hát chú trọng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhằm cải thiện đời sống của nghệ sỹ diễn viên thì nhà hát cũng cố gắng khai thác các dịch vụ về văn hóa, sự kiện, phục vụ lễ hội trong chức năng nhiệm vụ của mình, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho anh chị em nghệ sỹ…
Sau khi tôi nghỉ chế độ chính thức từ ngày 1/6/2017, hy vọng thế hệ lãnh đạo mới của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tiếp tục chèo lái và gây dựng thương hiệu, để Nhà hát Tuổi trẻ trờ thành thương hiệu có sức lan toả đối với công chúng cả nước, cũng như thế giới trong các chuyến lưu diễn.
Xin trân trọng cảm ơn anh!
"Một trong những điều tôi tâm đắc nhất với tư cách Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, là đã tri ân được tiền nhân cũng như các nghệ sĩ lão thành đã sáng lập ra Nhà hát Tuổi trẻ. Tôi cùng các nghệ sĩ đã đồng lòng góp sức đúc tượng đồng của cố giám đốc đầu tiền Hà Nhân và NSND giám đốc Phạm Thị Thành - hai người đầu tiên đã viết đề án sáng lập ra Nhà hát Tuổi trẻ hôm nay. Năm 2015, vở kịch lịch sử "Công lý không gục ngã" của Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng thành công vang dội với 5 huy chương vàng 4 huy chương bạc tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, cũng chính là để ca ngợi hình tượng của danh nhân văn hóa Ngô Thì Nhậm - tên ông được đặt cho chính con phố mà Nhà hát Tuổi trẻ đang tọa lạc kể từ lúc được thành lập cho đến nay, đã trở thành một địa chỉ văn hóa thân quen ở Thủ đô" |