“Dung dăng dung dẻ” của trẻ em dân tộc

Diễn ra từ nay đến hết ngày 31/8, tại Hà Nội, triển lãm “Dung dăng dung dẻ” với 83 câu chuyện “nhỏ xíu”, của những tác giả còn thấp hơn cây ngô, bờ đá; đã mở ra cho người xem một thế giới hồn nhiên, trong sáng, nhưng đầy niềm tin, niềm hy vọng.

 

“Dung dăng dung dẻ” là kết quả của dự án Photovoice (kể chuyện bằng ảnh), do các thành viên của chương trình “Em yêu trường em” và “Be Change Agents” thực hiện tại Lào Cai, Đắk Nông và Ninh Thuận. Theo đó, các em nhỏ được phát máy ảnh để tự chụp những bức ảnh về cuộc sống quanh mình, về những câu chuyện thú vị trên đường từ nhà tới trường, về những người mình yêu quý… qua đó, thể hiện nhận thức của các em về cuộc sống, những điều các em đam mê, những ước mơ mà các em muốn vươn tới. Và hơn thế nữa, để chúng ta, những người lớn, biết được các em nghĩ gì, muốn gì…

 
“Photovoice chính là một cách làm để tiếng nói của trẻ em được lắng nghe, là một cách để mọi người nhìn thấy được thế giới qua đôi mắt của các em và cũng là cách để các em có thể tự do diễn tả những cảm xúc của mình, chỉ ra những cái đẹp trong cuộc sống thường ngày, chỉ ra những gì các em yêu mến, những gì các em cần”, đại diện chương trình chia sẻ.


“Em rất thích hát ru em bé ngủ. Mỗi khi em hát cho em bé ngủ, em đều buồn ngủ trước em bé… Có lần em đang hát mà em lại quên lời bài hát và em lại cười và em hát lại. Em rất yêu quý em bé vì mỗi lần hát ru em, em đều ngủ gật”, cô bé Pinăng Thị Bích (Ninh Thuận) kể câu chuyện đáng yêu đến vậy về mình và em gái, một câu chuyện êm đềm tới mức ngắm ảnh, đọc chú thích của Bích xong, chỉ muốn gặp em để mỉm cười một cái, để xem cái cô bé dễ ăn, dễ ngủ này đáng yêu thế nào…


Những đứa trẻ thường dễ tìm thấy nhau, anh chị em trong nhà thường là những người mà các em gắn bó nhất. Thế nên không ngạc nhiên, khi ngoài Pinăng Thị Bích, thì A Đớ Thị Tuyết, lớp 4, trường Tiểu học Phước Tân B (Bác Ái, Ninh Thuận) cũng chọn em làm nhân vật chính trong tác phẩm của mình: "Đây là em trai em đang ăn cơm và cá. Em trai của em rất thích ăn cá. Ở nhà em thường ăn cơm với rau muống và rau cải, em rất thích ăn cá lồ ô, em rất thích ăn thịt, thịt rất ngon, mỗi tuần ăn một lần. Mẹ lớn, mẹ nhỏ có tiền mua cá thịt cho nhà em".


Cũng tên là Bích, nhưng Phăng Thị Bích, cô bé học sinh lớp 8A trường THCS Nguyễn Văn Linh (Ninh Thuận), là người có giọng văn “già” nhất triển lãm. Câu chuyện Phăng Thị Bích kể cũng vô cùng già dặn về khát khao muốn có một lớp học đúng nghĩa là lớp học của mình và các bạn: “Ở Ma Lâm có một phòng học rất là đơn sơ, vì phòng học không đủ để cho các em học sinh, nhà trường phải lấy phòng ăn làm phòng dạy học thật khó khăn. Nhà ăn đó cả bốn phía đều không được che, mỗi sáng mấy em học sinh phải học trong ánh nắng chiếu qua rất là nóng. Em muốn ngôi trường này sẽ được xây lại".


Với Lý Tả Mẩy, lớp 2A trường tiểu học Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), bức ảnh em chụp là một con suối cạn, nơi em và bạn bè hay đến rừa chân. “Nhà vệ sinh trường em không có nước, không có chỗ rửa chân, trời mưa bẩn chân, cô giáo không cho vào lớp, cô bảo phải ra rửa chân. Trong trường không có nước nên chúng em phải ra suối rất xa để rửa chân”.

 

Con suối cạn xa thật xa, nơi cô bé Lý Tả Mẩy đến rửa chân trước khi vào lớp.

Những câu chuyện thế thôi, đơn giản, thô mộc, thậm chí chưa thành câu, thành cú, “lổm ngổm” về ngữ pháp. Nhưng có sao đâu, quan trọng là sự hồn nhiên, sự trong sáng, là cuộc sống chưa bị “cơm, áo, gạo, tiền” làm vẩn đục, khiến mỗi bức ảnh của các em, mỗi chú thích ảnh của các em, đều có sức hấp dẫn riêng, đều khiến chúng ta muốn dừng chân ngắm nhìn và muốn sẻ chia. Sẻ chia và đôi khi rưng rưng nữa, trước những ước mơ không ngờ là nhỏ bé thế, nhưng lại là ước mơ lớn với các em: "Em rất quý cái bút mực này, ở lớp em mới được viết. Ở nhà em thì em không có bút mực để viết, ở nhà không có tiền mua bút mực để viết, chỉ viết bút bi. Nhiều bạn cũng như em không có tiền mua bút đành phải viết bút bi. Em ước mơ là có một cây bút mực để viết ở nhà", Giàng Thị Sú , lớp 3, trường Tiểu học Tả Phìn, Lào Cai, đã tự chụp ảnh mình cùng cây bút và kể câu chuyện như vậy…


Có những điều làm nhói tim ta từ những câu chuyện tưởng chừng vơ vẩn thế thôi của các em. Thế nên, vì lẽ gì mà chúng ta không đến triển lãm, xem ảnh của các em, rồi khi ra về, có thể mua quyển sách, cây bút, đôi dép, chiếc xe đạp… mà BTC dành làm từ thiện, để có thể, góp chút gì đó, cho những mong muốn nhỏ nhoi được trở thành hiện thực…


A.M

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN