Năm nay, Tết Đầu lúa rơi vào hai ngày 11 và 12/1. Đây là ngày Tết quan trọng, lâu đời và gắn liền với tập tục trồng lúa rẫy của đồng bào nơi đây.
Tết Đầu lúa hay còn gọi là Tết Nhôbrêhê, Lễ ăn lúa mới…Với người Raglai, K’ho ở Bình Thuận, lúa được xem là thứ quý nhất, thiêng liêng nhất. Mỗi năm khi có những cơn mưa đầu mùa, bà con lại mang lúa giống lên các triền đồi để gieo trồng. Sau 6 tháng bà con thu hoạch lúa, chủ yếu bằng cách tuốt tay, đưa vào gùi và mang về nhà.
Với ý nghĩa thể hiện sự biết ơn và niềm tin của bà con đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu mong cho cây lúa không bị quấy nhiễu, không bị sâu rầy, đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người, Tết Đầu lúa thường được bắt đầu bằng các nghi thức cúng dâng, cúng hạt lúa mới của các già làng, trưởng bản. Các gia đình đều tổ chức cúng lúa mới và quây quần sau mùa vụ.
Nhằm tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong dịp Tết Đầu lúa, huyện Bắc Bình tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng cao. Ngay từ sáng sớm, đông đảo bà con đã tập trung về Trung tâm văn hóa xã Phan Lâm để cùng tham gia các hoạt động giao lưu thể thao sôi nổi và trò chơi dân gian như thi bắn nỏ, thi gùi nước về làng, thi dựng cây nêu, biểu diễn trang phục dân tộc…
Tết Đầu lúa giờ không chỉ là cái Tết đón chào hạt lúa mới, gói gọn trong từng gia đình mà đã trở thành một ngày hội đoàn kết của cộng đồng đồng bào 4 xã vùng cao huyện Bắc Bình và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đón Tết Đầu lúa, Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận tổ chức nhiều chuyến xe bán hàng bình ổn lưu động phục vụ bà con.
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng đã đến thăm, tặng quà và chúc Tết bà con. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vui Tết nhưng không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất, ổn định đời sống.