Truyền thuyết Non Nước - Ngũ Hành Sơn
Di tích - Danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện tọa lạc tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Danh thắng Ngũ Hành nằm cách Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía đông - nam, có tên từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn - Mộc Sơn - Thủy Sơn - Hỏa Sơn - Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.
Tuy vậy, người dân địa phương còn gọi cụm núi này với những cái tên như hòn Non Nước, Ngũ Uẩn Sơn (núi năm chòm), Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ Sơn (năm ngón tay - vì đứng trên nhìn xuống nó giống như một bàn tay khổng lồ có 5 ngón cắm xuống đất). Trong đó, cái tên hòn Non Nước là phổ biến và lâu đời hơn cả. Cả dao xứ Quảng có câu: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: Trong các thư tịch cổ, địa danh núi Non Nước đã xuất hiện hơn 5 thế kỷ. Trong Giáp Ngọ bình Nam đồ do Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lập năm 1594, sau khi được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, vẽ đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Chân Lạp có ghi địa danh “Non Nước Sơn”.
Còn như trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo, tự Đạo Phủ, quê Nghệ An, soạn vào năm Bính Dần (1686), vẽ đường đi từ Thăng Long đến Chiêm Thành đều có ghi “Non Nước Sơn tam đỉnh” bằng chữ Nôm. Còn trong theo truyền thuyết dân gian được người dân Đà Nẵng lưu truyền đến ngày hôm nay thì 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn là 5 mảnh vỡ của quả trứng Rồng hóa thành.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân địch nhận định cụm núi Ngũ Hành Sơn là một vị trí vô cùng quan trọng về chiến lược quân sự nên chúng đã ra sức đánh phá quyết liệt.
Để chặn đứng bước tiến quân của ta, địch thiết lập tại đây một hệ thống đồn bốt kiên cố ngay dưới chân núi như đồn Rơ-Ni, đồn Cồn Bồ, đồn Trà Lộ và hệ thống đồn Đơ-La-Tua kiên cố làm hàng rào quân sự bảo vệ cho chúng.
Riêng trên đỉnh núi Kim Sơn lúc nào cũng có quân Mỹ đóng, địch bố trí ở đây một trung đội và một bãi đáp của máy bay trực thăng, có đặt súng K57 gắn tia hồng ngoại để kiểm soát một vùng rộng lớn trên địa bàn Hòa Hải.
Để chặn đứng bước tiến của địch, nhân dân Hòa Vang, trong đó có nhân dân Hòa Hải đã tranh thủ ngày đêm đào hầm bí mật, thông hào chiến đấu theo dọc chân núi Thổ Sơn, Kim Sơn đến sát biển. Trên chốt núi đặt trạm viễn tiêu, quân ta trực chiến ngày đêm để theo dõi canh gác.
Ta vừa đánh vừa bảo tồn lực lượng tại các hang động. Hang Bồ Đề ở Kim Sơn “địa đạo núi đá chồng”, là một địa đạo thiên nhiên, một cứ điểm chống càn bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.
Chùa Tam Thai và Linh Ứng là cơ sở che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng, Hang Âm Phủ là nơi đặt trạm phẫu thuật tiền phương, cứu chữa thương bệnh binh trong các trận đánh. Đến năm 1975, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, danh thắng Ngũ Hành Sơn được Đảng và Nhà nước quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị.
Điểm lịch sử - văn hóa - tâm linh
Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú” huyền ảo thơ mộng mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng.
Đứng trên đỉnh cao của núi, một cảnh tượng độc đáo mở ra trước mặt du khách với phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, bên dưới là sông Cẩm Lệ, sông Hàn uốn quanh mềm mại như dải lụa và phía Đông với cả một vùng trời biển mênh mông và đảo Cù Lao Chàm xa xa ẩn hiện.
Ngũ Hành Sơn có một vẻ đẹp riêng, đó là vẻ đẹp hài hòa của một vùng sinh thái tự nhiên đan xen đời sống văn hóa tâm linh. Chùa chiền, hang động hòa quyện với nhau như hình với bóng. Chính với yếu tố này, Ngũ Hành Sơn mang một vẻ đẹp vừa thoáng đãng lãng mạn, vừa trầm mặc cổ kính.
Trong khung cảnh ấy, giữa tiếng gió reo vi vút, tiếng mõ chiều vang vọng giữa thinh không, mùi hương trầm thoảng đưa trong gió, ánh sáng huyền ảo tràn vào khe đá, khiến cho lòng người lên non cao vãng cảnh chùa bỗng thấy phiêu diêu như lạc vào cõi phật, về với miền vô ngã, vô ưu, không còn lo toan, phiền muộn trần thế.
Đặc biệt, nhắc tới vẻ đẹp của Ngũ Hành Sơn, chúng ta không thể nhắc tới hệ thống hang động đá vôi Karst. Hang động Ngũ Hành Sơn không chỉ đa dạng về số lượng mà còn phong phú về hình thái và chủng loại. Mỗi hang đều mang một sắc thái riêng biệt.
Nếu hang Vân Căn Nguyệt Quật, hang Gió mang đến cảm giác tươi mát, thư thái thì động Tàng Chơn, động Huyền Không, động Quan Âm lại mang một vẻ đẹp tâm linh, thâm u, huyền bí, hay động Vân Thông, động Thiên Long, động Huyền Vi tạo cảm giác ly kỳ, mạo hiểm.
Một điều đáng chú ý nữa là hang động Ngũ Hành Sơn có một hệ thống thạch nhũ với muôn hình vạn trạng. Đây là kiệt tác của thiên nhiên, được hình thành qua hàng trăm nghìn năm do nước karst nhỏ giọt từ trần hang xuống, lắng đọng, kết tủa calxit mà thành. Bên cạnh vẻ đẹp của tạo hóa và bàn tay hữu ý con người tạo nên, Ngũ Hành Sơn còn là nơi bảo tồn được nhiều loại thực vật quý hiếm mà nơi nào cũng có được.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cho biết: Ngũ Hành Sơn là một mảnh đất có lịch sử lâu đời, vốn là một trung tâm cư trú, trung tâm giao thương, trung tâm tín ngưỡng của người Chăm - cư dân bản địa trong lịch sử. Sau khi thuộc về Đại Việt, nơi đây trở thành một Trung tâm Phật giáo quan trọng.
Ngay từ thế kỉ XVII, Phật giáo ở đây có sự ảnh hưởng rộng khắp và mang tính quốc tế. Tấm bia ma nhai Phổ Đà Linh Trung phật ở động Hoa Nghiêm đã thể hiện rõ điều này. Nội dung trên cho thấy trước năm Canh Thìn (1640) đã có di tích Phật giáo (cụ thể là chùa Bình An).
Ngũ Hành Sơn là nơi đầu tiên không chỉ ở Quảng Nam - Đà Nẵng, mà còn cả xứ Đàng Trong đón nhận sự truyền nhập của thiền phái Tào Động từ Trung Hoa. Thiền phái này ở Đàng Trong gắn với tên tuổi của hai vị danh tăng Trung Hoa là Thạch Liêm và Hưng Liên.
Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn với lợi thế về vị trí chiến lược và địa hình núi non, hang động đã một thời là địa chỉ đỏ tự hào của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và là địa chỉ đen kinh hoàng đối với quân xâm lược.
Một di tích văn hóa gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng làm nên một vùng đất địa linh nhân kiệt. Không phải ngẫu nhiên mà nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng thăm núi Ngũ Hành Sơn đã luận rằng “Núi thấp hơn hết mà danh cao hơn hết”.
Chị Nguyễn Thị Liên (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ hành Sơn) cho biết: "Từ lâu lắm rồi, cái tên Non Nước - Ngũ Hành Sơn đã in sâu vào tâm thức của mỗi chúng tôi. Bên cạnh những truyền thuyết thì chúng tôi còn được chứng kiến những chiến tích của các bậc đàn anh đi trước chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vì vậy cứ đến dịp lễ Tết là gia đình tôi lại đến đây thắp hương cho những đấng bề trên cũng như những người đã ngã xuống vì dân tộc".
Với những giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh không nơi nào có được, Danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến thu hút hàng chục triệu du khách cũng như người dân bản địa đến đây tham quan, chiêm bái.
Cũng với những giá trị vô cùng to lớn đó, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng quốc gia đặc biệt đối với di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Đây là một sự kiện rất quan trọng, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Bài cuối: Phát huy tối đa giá trị di tích