Đệm bông lau - ước vọng

Khi trổ bông, bông lau là nguyên liệu làm đệm, làm gối cho tổ ấm của mỗi gia đình, đặc biệt cho những đôi lứa vừa thành gia thất.


Các cô gái đi lấy bông lau về làm đệm.


Thời điểm này, các huyện miền núi của tỉnh Lào Cai ngút ngàn cây lau mọc hai bên đường. Với đồng bào các dân tộc vùng cao Lào Cai, giá trị của cây lau vô cùng lớn. Bông lau (khi còn non - ngậm đòng) là món ăn dân dã với nhiều cách chế biến, ăn với thứ nước chấm được làm từ gia vị quả rừng. Khi trổ bông, bông lau là nguyên liệu làm đệm, làm gối cho tổ ấm của mỗi gia đình, đặc biệt cho những đôi lứa vừa thành gia thất.


Đệm bông lau, tiếng Tày gọi là “thớ nun láu”, từ lâu đã là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình đồng bào Tày. Với những thiếu nữ Tày, khi đến tuổi cập kê là phải biết tự làm đệm bông lau, bởi theo quan niệm của đồng bào Tày, đệm bông lau là thước đo nết chịu thương chịu khó, ấp ủ ước vọng về tổ ấm gia đình của thiếu nữ Tày. Người Tày kén vợ thông qua việc xem xét người thiếu nữ đã thu hái được bao nhiêu bông lau, thêu dệt được bao nhiêu cái đệm ngồi, đệm nằm và gối ngủ để nhồi bông lau đem về nhà chồng...


Một năm bông lau chỉ nở một lần vào tháng 9 (Âm lịch), việc thu hái bông đòi hỏi phải chịu khó và khẩn trương. Hái già quá thì hạt bông chắc, khi phơi khô làm đệm sẽ rất nặng, thiếu sự mềm mỏng. Hái non quá sẽ rất tốn bông, chưa kể việc kỳ công thêu hoa văn cho một vỏ đệm hay gối trước khi nhồi bông vào ruột của nó. Vì vậy, gần như một quy định bất thành văn, những gia đình có con trẻ khác giới, muốn kết thông gia phải tổ chức dạm hỏi trước 3 năm mới có thể xin cưới.

 

Thường lễ ăn hỏi tiến hành từ khi con gái mới 15 tuổi, sau 3 năm thiếu nữ tròn 18 tuổi (theo quy định của pháp luật) cưới là vừa. Trong khoảng 3 năm ấy, là thời gian để bên nhà gái cùng giúp nhau trồng bông làm chăn và chặt ủ bông lau làm đệm. Càng chuẩn bị được nhiều chăn đệm thì việc thách cưới với nhà trai càng lớn và ngược lại. Cũng có đôi nam nữ "đốt cháy" giai đoạn chuẩn bị, kéo nhau về nhà thành vợ thành chồng, sinh đẻ con rồi mới cưới. Đám cưới ấy cũng là để xin chăn gối theo phong tục lâu đời của đồng bào Tày. Vì thế, làm đệm bông lau trở thành phong tục và là một nét đẹp văn hóa riêng của người Tày, Thái khu vực Tây Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng


Vải làm đệm bông lau truyền thống vốn là vải thô nhuộm chàm hoặc dệt thổ cẩm. Nhà có điều kiện sẽ làm thêm diềm trang trí bằng vải hoa, hoặc vải đỏ khác màu với vải chàm, mục đích để tôn thêm vẻ đẹp của đệm. Chỉ khâu đệm lau cũng phải xe thật chắc, thường là 6 sợi trở lên chập vào nhau. Khi làm, mặt đệm được chia thành các ô vuông nhỏ rồi khâu ở hai mặt trái của đệm sao cho khi lộn ra thành các góc của ô vuông. Việc khâu đệm đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mẩn và độ chính xác cao nhất trong khi làm đệm, bởi nếu không vuông vức, mặt đệm khó có thể căng phồng một cách đều đặn. Sau khi khâu xong đến giai đoạn nhồi lau. Số lượng lau ít nhiều tùy thuộc vào kích thước đệm.

 

Lau được nhồi căng, đệm sẽ căng chặt, khi nằm sẽ không bị xẹp mỏng xuống. Mỗi lần nhồi lau người nhồi phải để ý phần diềm xung quanh của đệm, phải nhồi làm sao thành đệm phải cứng, thẳng đứng và dày từ 4-5cm thì đệm mới đẹp. Đệm bông lau khi hoàn thành, mặt đệm sẽ không phẳng lì như những đệm mút hiện đại mà sẽ gợn sóng hình ô vuông nhỏ trông đẹp mắt và đấy cũng là điểm mang lại cho người nằm một cảm giác êm ái dễ chịu. Vì vậy, chỉ cần nhìn diềm đệm, người ta có thể đánh giá người làm đệm có cẩn thận, khéo tay hay không.




Bài và ảnh: Hương Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN