Làm thế nào để khắc phục sự mất cân đối giữa thanh nhạc và khí nhạc, nâng cao vị thế của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam... là trăn trở của nhiều nhạc sỹ.Không thể phủ nhận, sự phát triển của nhạc nhẹ, nhạc đại chúng ở nước ta ngày càng phong phú, thu hút được đông đảo công chúng, có tác dụng thiết thực trong việc xây dựng đời sống tinh thần của con người Việt Nam hôm nay. Mặc dù thanh nhạc phát triển rầm rộ như vậy, nhưng theo nhạc sỹ Nguyễn Thị Minh Châu, khi vươn ra ngoài biên giới quốc gia để hòa nhập vào cộng đồng âm nhạc chính thống quốc tế, tiếng nói đại diện cho dân tộc Việt lại không thuộc về thanh nhạc, không thuộc về những "bài hát yêu thích" hay những ca khúc được xếp hạng top này hít nọ của người Việt mê ca hát. Tiếng nói âm nhạc mang “màu cờ sắc áo” quốc gia phải là khí nhạc, với thứ ngôn ngữ không cần phiên dịch, là những tác phẩm quy mô lớn, nhưng đáng tiếc là hiện giờ, thể loại này vẫn còn khá xa lạ với công chúng Việt Nam.
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại Nhạc viện P. I. Tchaikovsky ở Moskva. |
Không chỉ riêng nhạc sỹ Nguyễn Thị Minh Châu, mà rất nhiều nhạc sỹ khác đều thừa nhận rằng, nhạc hàn lâm và những gì liên quan tới nó, từ tác giả - tác phẩm đến nhạc công hay dàn nhạc, bao giờ cũng là đại diện ưu tú nhất, mang tính quyết định bộ mặt âm nhạc của một quốc gia khi đưa ra thế giới. Nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng đã ví, thanh nhạc như những con phố nhỏ, những đường nhánh, đường làng, còn khí nhạc là hệ thống đại lộ, quốc lộ và các đường cao tốc, và “nếu chúng ta chỉ quan tâm đến việc xây dựng các con phố nhỏ, các đường nhánh và đường làng, mà không lo xây dựng hệ thống các đại lộ, quốc lộ và các đường cao tốc thì làm sao mà phát triển và văn minh được”, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng chia sẻ.
Hầu hết các nhạc sỹ đều cho rằng, để khí nhạc Việt Nam phát triển, cần hội tụ rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên là phải đào tạo được các thế hệ nhạc sỹ tài năng, được đào tạo bài bản, để cho ra đời những tác phẩm khí nhạc có chất lượng.
Theo thống kê của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, số lượng nhạc sỹ sáng tác ca khúc nhiều hơn khoảng 3 - 4 lần so với nhạc sỹ khí nhạc. Số nhạc sĩ khí nhạc vốn đã ít, nhưng số người hiện đang làm nghề lại càng ít hơn. Thực tế cho thấy, công việc sáng tác một tổng phổ âm nhạc không lời là một việc làm vô cùng vất vả, mất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi người sáng tác vừa phải có tài năng, vừa phải được đào tạo một cách bài bản. Để có được một tổng phổ âm nhạc, nhạc sĩ phải lao động nhiều tháng, có khi là nhiều năm. Nhưng trước những khó khăn trong đời sống thường nhật, một số nhạc sĩ khí nhạc chuyển sang viết ca khúc, viết nhạc phim, sân khấu, phối khí bài hát... vừa nhẹ nhàng hơn, lại có thu nhập để đảm bảo cuộc sống gia đình.
Có tác phẩm, muốn đưa tác phẩm đến được với công chúng cần phải được đưa ra dàn dựng thông qua tập thể nhạc công, nhạc trưởng. Nhưng để dàn dựng được một tác phẩm thì phải cần số tiền khá lớn. Theo nhạc sỹ Trần Mạnh Tuấn, để dàn dựng một tác phẩm khí nhạc phải mất hàng trăm, thậm chí vài trăm triệu đồng, đó là chuyện không dễ với các nhạc sỹ Việt Nam, nhất là với các nhạc sỹ trẻ, trong khi kêu gọi đầu tư thì khó, vì dòng nhạc này vốn ít khán giả, các nhà đầu tư không mấy mặn mà... Chính vì vậy mà có không ít tác phẩm khí nhạc ra đời chỉ để trong “ngăn kéo” của các nhạc sỹ, mà không thể đến với công chúng. Có nhạc sỹ ước tính, Việt Nam có tới hàng nghìn bản giao hưởng được sáng tác, song rất ít nhạc sỹ trong số đó tìm được nguồn tài trợ để dựng tác phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều nhạc sỹ không còn sự hăng hái với các tác phẩm khí nhạc nữa... và khí nhạc Việt Nam dần vắng bóng những tác phẩm hay, tác phẩm lớn, và nguy cơ khiến cho âm nhạc Việt Nam đi xuống.
Để thúc đẩy và phát triển nền khí nhạc, vấn đề đặt ra là cần sự quan tâm chú ý rất lớn về phía Nhà nước, Chính phủ cần đề ra một chiến lược đầu tư chiều sâu, đồng bộ và lâu dài cho khí nhạc, đặc biệt là đầu tư nhiều hơn cho việc đào tạo, sáng tác và dàn dựng các tác phẩm khí nhạc. Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cần đầu tư kinh phí nhiều hơn cho việc xuất bản và dàn dựng phổ biến các tác phẩm ca khúc nghệ thuật và khí nhạc được tặng thưởng.
Bên cạnh việc đầu tư cho đào tạo, sáng tác tác phẩm, cũng phải có chế độ đãi ngộ phù hợp cho các nhạc sỹ, nhạc công. Nhạc sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chia sẻ, để trở thành nhạc công chơi nhạc thính phòng - giao hưởng, người nghệ sĩ phải trải qua quá trình khổ luyện hàng chục năm trời, rồi trong suốt thời gian làm nghề, các nhạc công vẫn phải duy trì một chế độ luyện tập khắt khe. Thế nhưng hiện nay, tất cả họ đều đang hưởng lương tương đương với trung cấp, thu nhập mỗi tháng 5 - 6 triệu đồng, thù lao biểu diễn cũng vô cùng ít ỏi, nên để trụ lại được với nghề, nhiều người phải xoay qua làm thêm việc khác, nếu không thực sự yêu nghề, say nghề thì không ai theo nghề nữa.
Ngoài việc chú trọng đầu tư cho sáng tác tác phẩm, đào tạo nhạc công khí nhạc, Nhà nước cần có một chính sách đào tạo lực lượng khán giả cho âm nhạc hàn lâm, điều này cần bắt đầu từ chương trình giáo dục âm nhạc cho phổ thông, từ nhà trẻ đến đại học, dạy cho thế hệ trẻ biết thưởng thức, biết nghe âm nhạc hàn lâm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ cho nhạc giao hưởng thính phòng. Các kênh truyền hình nên dành nhiều thời lượng hơn cho khí nhạc... để khí nhạc Việt Nam có nhiều cơ hội đến với công chúng hơn, có như vậy nền khí nhạc Việt Nam mới hy vọng cơ hội phát triển.
Phương Hà