Để âm nhạc đậm chất kinh sư xứ Huế níu lòng du khách 

Chiều 18/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch".

Chú thích ảnh
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Đắc Thái Hoàng phát biểu tại hội thảo. 

Đây là diễn đàn để các học giả, chuyên gia, nhà khoa học tham vấn về việc xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả giúp âm nhạc truyền thống Huế phát huy giá trị, phát triển thành các sản phẩm du lịch phù hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của địa phương.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, âm nhạc truyền thống Huế có vai trò đặc biệt trong việc khẳng định và thể hiện các cung bậc của bản sắc dân tộc, bao gồm: sự tiếp nhận, nghiên cứu, phát triển và hiển thị đậm chất kinh sư xứ Huế. Âm nhạc truyền thống Huế thể hiện sự tinh tế, độc đáo và đa dạng từ văn hóa cung đình đến dân gian và có ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc Việt Nam. Đáng chú ý, một sản phẩm điển hình quan trọng của nghệ thuật âm nhạc truyền thống Huế là “Nhã nhạc cung đình” đã được UNESCO công nhận di sản phi vật thể và truyền khẩu nhân loại vào năm 2003; góp phần khẳng định vị thế và giá trị của nghệ thuật âm nhạc truyền thống Huế.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. 

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Đắc Thái Hoàng nhấn mạnh, việc phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế không chỉ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản mà còn mở ra các hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống, như: khuyến khích đưa Ca Huế vào trường học, tổ chức các chương trình nghệ thuật và kết nối âm nhạc với các sản phẩm du lịch, các chương trình Festival và Festival làng nghề được tổ chức xen kẽ hằng năm. Những nỗ lực này góp phần đưa âm nhạc truyền thống Huế đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Ca Huế - một di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của Cố đô Huế hiện đã được ghi danh là Di sản phi vật thể quốc gia và đang được tỉnh nghiên cứu xây dựng Bộ hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm qua, Ca Huế đã đóng góp tích cực cho hoạt động văn hóa du lịch và quảng bá di sản văn hóa Huế ra thế giới.

Chú thích ảnh
Biểu diễn Nhã nhạc Cung đình, một sản phẩm quan trọng của âm nhạc truyền thống Huế. 

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải cho biết, nét độc đáo của nghệ thuật Ca Huế là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa, tinh tế giữa hai dòng nhạc bác học và dân gian. Để Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của cố đô Huế cần sự quan tâm đầu tư toàn diện về nhiều mặt; trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và cộng đồng xã hội; xây dựng và phát triển không gian trình diễn Ca Huế tại các tuyến, điểm chuyên phục vụ du lịch và cộng đồng; nghiên cứu, vận động thành lập các câu lạc bộ Ca Huế; có chính sách hỗ trợ các sinh viên, học sinh hiện đang theo học tại hai đơn vị đào tạo các chuyên ngành về Ca Huế.

Bài, ảnh: Tường Vi (TTXVN)
Giới thiệu sản phẩm lưu niệm độc đáo từ bộ tứ bảo vật của cố đô Huế
Giới thiệu sản phẩm lưu niệm độc đáo từ bộ tứ bảo vật của cố đô Huế

Ngày 18/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Công ty Comicola và Phygital Labs ra mắt khu vực trải nghiệm và giới thiệu dự án Đế đô khảo cổ ký tại khu vực nhà rường, Phủ nội vụ, Đại Nội Huế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN