Tiểu thuyết trinh thám trở lại
Năm 2017-2018, có thể nói là hai năm các NXB “đánh thức” dòng truyện trinh thám, khi cho ra đời hàng loạt bộ truyện văn học trinh thám nổi tiếng.
Có thể kể đến series trinh thám quan án “Địch công kỳ án” với những vụ án được phá bởi thần thám Địch Nhân Kiệt- một vị quan có thật ở triều đại Võ Tắc Thiên (Trung Quốc) do nhà Đông Phương học người Hà Lan Robert Van Gulik viết. “Tội ác ở Orcival” của nhà văn Émile Gaboriau, kể hành trình tìm thủ phạm sát hại vị nữ bá tước Trémorel, vạch trần bí mật và âm mưu khủng khiếp đằng sau cái chết của vị nữ bá tước này.
Tác phẩm “Velma” của nhà văn Raymond Chandler - nhà văn trinh thám "bí ẩn" nhất mọi thời đại, với câu chuyện về hành trình tìm kiếm tội phạm của thám tử Philip Marlowe là một cựu cảnh sát, một kiểu hiệp sĩ hiện đại. Series 3 tập trinh thám đen gồm: “Cô dâu đen”, “Ám ảnh đen” và “Kết hôn với người chết” của tác giả Cornell Woolrich; “Hồ sơ 113” của nhà văn Émile Gaboriau - truyện trinh thám suy luận được độc giả đánh giá có thể sánh ngang với những siêu phẩm trinh thám như Sherlock Holmes của Conan Doyle hay “Mười người da đen nhỏ” của Agatha Chiristie.
Series trinh thám Trung Quốc hiện đại “Bác sĩ pháp y Tần Minh” của tác giả Tần Minh với những vụ phá án bí ẩn; “Nhật ký săn đuổi tội ác”, “Ám dạ hành” của Nhạc Dũng với những câu chuyện phá án nhuốm màu liêu trai, kỳ bí…
Tuy nhiên, đó đều là những bộ truyện trinh thám nổi tiếng của văn học nước ngoài, mà hầu như không có truyện trinh thám Việt. Mới đây, một số tác phẩm như cuốn biên khảo "Răng sư tử" của nhà báo Yên Ba, series 5 cuốn trong bộ truyện trinh thám Việt “Thám tử Kỳ Phát” của nhà văn Phạm Cao Củng ra mắt bạn đọc, có thể coi như sự khởi đầu trong việc “đánh thức” dòng văn học trinh thám Việt, vốn luôn bị coi là “yếu thế” so với những dòng văn học khác.
Theo PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học - Giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ở Việt Nam, dòng văn học trinh thám Việt Nam xuất hiện khá sớm, từ năm 1910. Sau này, sự xuất hiện của một số tác giả như Thanh Đình - Lê Văn Giới với Lệ Hằng, Người nhạn trắng; Thế Lữ với Lê Phong, trong đó, nổi bật là Phạm Cao Củng với series “Thám tử Kỳ Phát”, “Thám tử Tám Huỳnh Kỳ”… thì ý thức về một tác phẩm văn học trinh thám mang đậm chất Việt thực sự được hoàn chỉnh.
Sau này, do những hoàn cảnh xã hội đặc thù, nên trinh thám Việt một thời bị vắng bóng. Chỉ đến khi chiến tranh kết thúc năm 1975, tiểu thuyết trinh thám mới có điều kiện để phát triển trở lại, nhưng lại chủ yếu ở địa hạt tiểu thuyết tình báo - phản gián, có thể coi là một bộ phận của văn học chiến tranh với các tác phẩm như: “Ván bài lật ngửa” của Nguyễn Trương Thiên Lý, “Ông cố vấn” của Hữu Mai cùng một vài tác giả khác.
Nối dài sức sống
Dù đã có một thời vàng son rực rỡ, nhưng tiểu thuyết trinh thám Việt sau đó dần “phai dấu” trên văn đàn. Hơn nữa, quan niệm cho rằng trinh thám là thứ “văn chương giải trí”, “tiểu thuyết ba xu” cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của dòng văn học này.
Dù có những thăng trầm, nhưng thực tế, cho đến nay dòng văn học này vẫn có sức hấp dẫn riêng, vẫn có những độc giả riêng.
Theo PGS.TS Trần Văn Toàn, Phó trưởng khoa Ngữ văn - Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, văn học trinh thám gắn với những vụ án, mà ở đó, con người dùng trí tuệ phanh phui được tội ác chứ không phải bằng phép màu. Sự tôn vinh của lý trí, sự thông minh của nhà thám tử là lý do cơ bản khiến văn học trinh thám vẫn lôi cuốn và có sức hấp dẫn độc giả.
Hiện nay, dù chú trọng đến những cốt truyện điều tra theo hình mẫu trinh thám phương Tây, nhưng tiểu thuyết trinh thám “Made in Vietnam” vẫn ít có những tác phẩm hấp dẫn, cuốn hút độc giả. Chỉ có một vài tác phẩm của nhà văn Di Li như “Tầng thứ nhất”, “Điệu valse địa ngục”, “7 ngày trên sa mạc” tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ”… hay một số tác phẩm của nhà văn Giản Tư Hải như “Minh Mạng mật chỉ”, “Ổ buôn người”, “Mật mã Champa”… là những tác phẩm được đầu tư kỹ càng về cốt truyện, nhân vật… thực sự đã ghi một dấu ấn mới cho văn học trinh thám Việt Nam.
Nói về đánh thức văn học trinh thám Việt, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng, xã hội Việt Nam đang trở lại một xã hội thị trường, các bộ phận của thị trường trở lại, và trong đó có thị trường văn học. Thị trường văn học có nhiều thể loại, trong đó có truyện trinh thám. Công chúng thời nào cũng tò mò, và công chúng thời nay cũng vậy, cho nên khi có thị trường văn học tự do tương đối cởi mở như hiện nay, thì tiểu thuyết trinh thám có đất tốt để phát triển. Nhưng phát triển tốt hay không, lại phụ thuộc vào tài năng của những cây bút viết về đề tài này.
“Sau nhiều năm bị quên lãng, hiện nay, vai trò giải trí của văn học ngày càng trở nên quan trọng, xu hướng lựa chọn thể loại trinh thám đã trở lại với độc giả, thì việc khẳng định và giới thiệu lại các tác phẩm trinh thám vang bóng một thời, cũng là một cách nhìn lại và cùng nhau nối dài sức sống của trinh thám Việt”, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân chia sẻ.