Đảm bảo an toàn mùa lễ hội năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19

Thời điểm cuối tháng 12 âm lịch, du khách thập phương đi trả lễ cuối năm và các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng bắt đầu vào mùa lễ hội mới.

Trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu, các địa phương cũng xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó.

Chú thích ảnh
Rửa tay sát khuẩn trước khi vào Đền Bình An và chùa Bảo Minh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Không chủ quan với dịch bệnh

Đền Ông Hoàng Mười là một trong những địa chỉ tâm linh được đông đảo du khách thập phương đến lễ bái hàng năm, trong đó tập trung nhiều nhất vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới. Dịp này, Ủy ban nhân dân huyện Hưng Nguyên và Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười cũng vừa trùng tu, nâng cấp nhiều hạng mục để chuẩn bị cho mùa lễ cuối năm. Dự kiến, trong dịp lễ cuối năm và đầu năm mới, mỗi ngày Đền sẽ đón khoảng 5.000 lượt khách đến dâng lễ. Đây cũng là ngôi đền có lượng khách thập phương đến viếng đông nhất tỉnh Nghệ An với khoảng 120.000 lượt khách mỗi năm.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa lễ hội luôn được Ban quản lý Đền Ông Hoàng Mười chú trọng. Hiện một số điểm trong khuôn viên đền như khu vực ghi công đức đã trang bị nước rửa tay sát khuẩn cho du khách. Ngoài ra, Đền đã lên kế hoạch bổ sung hàng nghìn khẩu trang để phát miễn phí khi khách đến viếng đền và treo các băng rôn để nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh. Mặc dù đã có sự chuẩn bị khá chu đáo, nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách trong mùa lễ hội cuối năm vẫn hết sức khó khăn, đặc biệt khi dự báo số lượng khách đến với Đền cuối năm rất nhiều và phần lớn là du khách thập phương đến từ ngoại tỉnh.

Ông Nguyễn Kim Khánh, Phó Ban quản lý di tích Đền Ông Hoàng Mười cho biết: "Khi lượng khách đến quá đông, việc quản lý du khách đi - đến rất khó khăn trong việc nhắc nhở du khách sát khuẩn và đeo khẩu trang thường xuyên. Chúng tôi cũng lên phương án nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì thực hiện giải pháp hạn chế du khách đến thăm viếng hoặc phải tạm dừng phục vụ như một số thời điểm trong năm 2020".

Đền Bình An – Chùa Bảo Minh, xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, cũng là một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, xây dựng từ thời Hậu Lê. Từ năm 2019, đền Bình An mới được nâng cấp, tu sửa nên số lượng du khách đến với đền ngày một đông. Ông Dương Quang Thịnh, Trưởng Ban hộ tự Đền Bình An - Chùa Bảo Minh cho biết: "Năm nay, khách đi lễ sớm hơn mọi năm và lượng khách cũng thưa thớt hơn. Ban quản lý cũng đã lên nhiều phương án để phòng tránh dịch bệnh. Trước mắt, năm nay vào đêm 30 Tết, Đền sẽ không tổ chức làm lễ như các năm mà chỉ làm nội bộ và cũng không thông báo rộng rãi đến khách thập phương. Vào ngày mồng 7 tháng Giêng, Đền sẽ tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm. Tuy vậy, năm nay để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, đền vẫn tạm dừng tổ chức phần hội, chỉ tổ chức phần lễ.

Đảm bảo an toàn cho mùa lễ hội năm 2021

Nghệ An có 29 lễ hội, trong đó 20 lễ hội được tổ chức vào mùa Xuân, các lễ hội còn lại được tiến hành từ tháng 4-tháng 10 Âm lịch. Lễ hội là hoạt động tâm linh, giàu bản sắc văn hóa và hàng năm thu hút hàng chục nghìn người dân địa phương và khách thập phương đến cùng tham dự. Song song đó, việc tổ chức lễ hội với lượng người tập trung đông cũng sẽ tiềm ẩn nhiều dịch bệnh và các vấn đề khác.

Lễ hội đền Cờn là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng biển và thu hút rất đông du khách thập phương mọi miền Tổ quốc về dự lễ. Đến thời điểm này, thị xã Hoàng Mai đã hoàn thành kế hoạch cho lễ hội đền Cờn (kéo dài từ 19-21 tháng Giêng âm lịch) với rất nhiều hoạt động ý nghĩa ở cả phần lễ và phần hội như múa lân, đua thuyền qua sông, lễ cầu ngư, lễ hợp tế và chung kết Hội thi nữ sinh thanh lịch. Trước đó, dịp Tết Nguyên đán cũng là dịp thu hút đông lượng khách đến bái lễ ở đền Cờn với hàng nghìn du khách mỗi ngày.

Ông Hồ Ngọc Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quỳnh Phương, thành viên Ban quản lý Đền Cờn cho biết: Liên tục trong nhiều tháng nay, các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh được Ban quản lý đền thực hiện thường xuyên như cung cấp đủ nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang và các biển phòng tránh dịch bệnh. Tuy vậy, trong mùa lễ, điều mà chúng tôi lo lắng nhất đó là ngoài lượng khách từ các tỉnh, thành phố khác về còn có một số lượng lớn khách địa phương là lao động đi làm việc từ các nước trở về. Rất nhiều người trong số này đi làm ăn tự do và không khai báo y tế về hành trình đi - đến. Vì lẽ đó, đảm bảo an toàn cho tất cả du khách là điều hết sức khó khăn và nan giải, cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành, địa phương.

Ngoài lễ hội đền Cờn, tại thị xã Hoàng Mai còn có nhiều lễ hội khác như lễ hội đền Xuân Úc (phường Quỳnh Liên), lễ hội đền Xuân Hòa, Phùng Hưng (phường Quỳnh Xuân), lễ hội đền hạ (phường Quỳnh Lập)... Trước mùa lễ hội năm nay, thị xã cũng đã có phương án cụ thể để việc tổ chức các lễ hội văn hóa, tâm linh diễn ra thuận lợi và đảm bảo an toàn, an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Hoàng Mai chia sẻ: "Từ nay đến khi mùa lễ hội bắt đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, xây dựng các phương án để chuẩn bị cho mùa lễ hội mới và tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì các lễ hội sẽ rút gọn và chỉ tập trung vào phần lễ, vừa đảm bảo tính truyền thống, nhưng vừa an toàn, hiệu quả".

Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có công văn số 9024/UBND-VX về việc tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021. Nội dung công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách, thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức lễ hội, không để tổ chức các hoạt động biến tướng, mang tính mê tín dị đoan như dâng sao giải hạn.

Các sở, ban, ngành vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chấp hành nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Trong khi dịch đang còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách.

Bà Đặng Phương Lan, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết: "Ngoài tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản về tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, chúng tôi cũng đề nghị các Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã có tổ chức lễ hội truyền thống, quán triệt nghiêm các quy định của pháp luật, Nghị định 110 của Chính phủ về tổ chức lễ hội, đồng thời thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về công tác phòng, chống dịch tại các lễ hội và các điểm du lịch tâm linh.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Đề nghị tạm ngừng tổ chức lễ hội ở các địa phương có dịch COVID-19 bùng phát
Đề nghị tạm ngừng tổ chức lễ hội ở các địa phương có dịch COVID-19 bùng phát

Ngày 29/1, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành công văn số 365/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN