Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, sinh thời Thiền sư là người luôn quan tâm đến đời sống chính trị và tham gia nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt trong việc giúp vua Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm, góp phần đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra vương triều Lý hòa bình, thịnh trị, tồn tại hơn 200 năm, đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ vững bền của quốc gia Đại Cồ Việt.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định: Thiền sư Vạn Hạnh là ngọn đèn thiền rực sáng của dòng thiền Thiền Tì ni đa lưu chi, người có công lao to lớn với lịch sử dân tộc, là đại diện tiêu biểu của một công dân hết lòng phụng sự đất nước với tư tưởng phù hợp, tốt đẹp của giáo lý nhà Phật.
Theo Tiến sĩ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, công đức và đạo nghiệp của Quốc sư Vạn Hạnh còn sống mãi trong lòng tăng ni, phật tử Việt Nam, trong trang sử vàng của dân tộc và Phật giáo.
Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm ngày Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch (1018 - 2018), Giáo hội Phật giáo, tăng ni, phật tử Việt Nam cùng ôn lại lịch sử, đóng góp của Thiền sư Vạn Hạnh đối với dân tộc, khơi dậy niềm tin, niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đồng hành cùng dân tộc. Qua đó, các thế hệ tăng ni, Phật tử cần nỗ lực hơn nữa trong tu tập và hành đạo, hoằng dương chính pháp theo phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội”, sống tốt đời đẹp đạo trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thiền sư Vạn Hạnh (938-1018), gốc họ Nguyễn, quê ở làng Dịch Bảng, châu Cổ Pháp, phủ Bắc Giang (nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), là Thiền sư thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Tì ni đa lưu chi. Ngày rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (tức năm 1018), Thiền sư Vạn Hạnh thi tịch, được vua Lý Thái Tổ và các triều thần nhà Lý tổ chức làm lễ trả tỳ. Sau đó, xá lợi của ngài được tôn trí tại chùa Tiêu Sơn (thuộc thôn Tiêu Sơn, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).