Đêm nhạc được biểu diễn với hàng loạt ca khúc viết từ chất liệu dân ca Ê-đê với nhịp điệu sôi động như "H’Zen lên rẫy", "Ly cà phê Ban Mê", "Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột", "Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk"… Đặc biệt, du khách và người dân hào hứng với màn biểu diễn "Ca kịch Khát vọng Đam Săn".
Ca kịch "Khát vọng Đam Săn" gồm 5 chương: Chương 1 "Đam Săn và H’Nhi;" chương 2 "Xử tội Mtao Msei"; chương 3 "Buôn sang trông cậy"; chương 4 "Nơi miền sáng"; chương 5 "Mặt trời lên trên cao nguyên bao la". Tác giả và tổng đạo diễn là Nhạc sỹ Nguyễn Cường. Đây được xem là tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, phục dựng, bảo tồn và trình diễn lịch sử văn hóa dân tộc Ê-đê ở Tây Nguyên qua những làn điệu, vũ điệu được sử dụng trong tác phẩm; tạo dựng sân khấu âm nhạc độc đáo bán thực cảnh dành cho lễ hội thường niên của đồng bào Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, tạo nên sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc chỉ có ở Đắk Lắk.
Ông Trần Bá Tuấn, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh ấn tượng sâu sắc với màn biểu diễn "Ca kịch Khát vọng Đam Săn". Tây Nguyên được biết đến với Sử thi hùng tráng về lịch sử phát triển của xã hội, trong đó có Sử thi Đam Săn, nay lại được tái hiện trên sân khấu bằng hình thức ca kịch với câu chuyện bình dị, vũ điệu mạnh mẽ, mô tả đời sống dân tộc bản địa không chỉ hấp dẫn du khách mà còn giúp du khách hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.
Phát biểu tại đêm nhạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk H' Yim Kđoh cho biết: Hàng loạt ca khúc sáng tác của Nhạc sĩ Nguyễn Cường được viết từ chất liệu dân ca Ê-đê với nhịp điệu sôi động, rạo rực, mang âm hưởng đặc trưng riêng của âm nhạc dân gian Tây Nguyên với nhiều tác phẩm ấn tượng, khó quên, rất riêng về vùng đất đỏ bazan của Cao nguyên Đắk Lắk. Do đó, các sáng tác của Nhạc sĩ Nguyễn Cường về Đắk Lắk không chỉ làm giàu kho tàng âm nhạc mà còn góp phần quảng bá, tuyên truyền hình ảnh cảnh vật, con người Đắk Lắk thân thiện, mến khách đến với du khách trong và ngoài nước.
"Đặc biệt, Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có 30 năm nghiên cứu về Trường ca Đam Săn dựa trên Sử thi Đam Săn hùng tráng đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tác phẩm được thể hiện bằng ca kịch đã góp phần giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của con người Tây Nguyên, ca ngợi khát vọng vươn lên, vẻ đẹp kiêu hùng về lịch sử, văn hóa của người Ê-đê cũng như tinh thần yêu quê hương, đất nước và tinh thần đoàn kết dân tộc", bà H' Yim Kđoh nhấn mạnh.