Từ ngôi đình đầu tiên là đình Hưng Long được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 ngôi đình được hình thành để đáp ứng nhu cầu thờ cúng và thực hành tín ngưỡng dân gian của người Kinh ở Bình Phước. Cùng với quá trình đó, các lễ hội ở các ngôi đình được hình thành và tồn tại cho đến ngày nay, trong đó có Lễ hội Cầu Bông.
Đặc trưng canh tác nông nghiệp của người Kinh ở Bình Phước trước đây phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên, nhiều rủi ro. Do đó, hằng năm vào các tháng 6, 7, 8, 9, 10 âm lịch, các đình, miếu ở Bình Phước lần lượt tổ chức Lễ hội Cầu Bông nhằm dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai phá, tạo dựng xóm làng mới trong thời kỳ khai hoang, mở cõi; cầu cho trời đất, các vị thần linh phù hộ người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cùng với thời gian, Lễ hội Cầu Bông của người Kinh ở Bình Phước chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phản ánh đặc trưng riêng có của địa phương. Việc lễ hội này được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần nâng tầm giá trị của di tích và di sản. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân nơi có di sản mà còn là niềm tự hào của cả tỉnh Bình Phước.
Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh chúc mừng và biểu dương các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư tỉnh Bình Phước, đặc biệt là đồng bào, nhân dân các huyện: Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đăng, thị xã Bình Long đã chung sức bảo tồn, phát huy di sản văn Lễ hội Cầu Bông của người Kinh ở Bình Phước.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cầu Bông, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các huyện: Chơn Thành, Hớn Quản, Bù Đăng, thị xã Bình Long, Ban quản lý các đình thần có di sản được vinh danh, phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị có liên quan của tỉnh tăng cường công tác bảo vệ để phát huy tốt các di sản. Các đơn vị tiếp tục xây dựng, đưa Lễ hội Cầu Bông trở thành một bộ phận trong quần thể các điểm du lịch tâm linh của tỉnh Bình Phước. Quá trình quản lý, tổ chức hoạt động, các đơn vị cần có biện pháp ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, làm sai lệch giá trị của di sản; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá Lễ hội Cầu Bông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, từ đó góp phần phát huy giá trị lễ hội.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống, Lễ hội Cầu Bông của người Kinh tại các huyện Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đăng và thị xã Bình Long.