Phục hồi trường quay Cổ Loa:

Cơ hội cho sự chuyên nghiệp hóa của điện ảnh

(Tin Tức)- Có lẽ ít người biết rằng điện ảnh Việt Nam đã từng có trường quay từ những năm 1959, 1960, nhưng do điều kiện lịch sử có nhiều thăng trầm, trường quay này gần như trở thành phế tích. Năm 2008, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã quyết định phục hồi và nâng cấp trường quay Cổ Loa, với nguồn kinh phí của Nhà nước.

Khổ vì thiếu trường quay


Trong buổi ra mắt phim “Long thành cầm giả ca”, đạo diễn Đào Bá Sơn đã chia sẻ: “Khi cầm kịch bản ra Hà Nội chọn địa điểm quay, tôi đã rất lo lắng vì không biết sẽ làm bộ phim như thế nào. Làm một bộ phim về văn hóa Thăng Long, trong điều kiện thành Thăng Long không còn như xưa là vô cùng khó. Chĩa máy quay nơi nào cũng gặp dây điện chằng chịt, cột ăng ten ti vi, nhà cao tầng... Để quay được một cảnh là vô cùng khó khăn. Nhiều khi quay cảnh 1 xong lại phải đi xa cách mấy chục cây số quay cảnh 2 để lắp ráp lại với nhau...”.

Khu phố cổ trong trường quay ngoại cảnh Cổ Loa. Ảnh: Phương Lan

Những nỗi khổ vì không có trường quay khiến đạo diễn phải "ra đường" như vậy có lẽ không ít đạo diễn, nhà làm phim ở Việt Nam đã nếm trải, nhất là khi làm các phim lịch sử, dã sử.

Ít ai biết rằng, 50 năm trước, điện ảnh Việt Nam đã có trường quay Cổ Loa - trường quay đầu tiên. Đây đã từng là kinh đô của điện ảnh Việt Nam những năm 60-70, nơi cho ra đời nhiều tác phẩm “kinh điển” như “Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”, “Nghêu, sò, ốc, hến”... Trường quay Cổ Loa đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sỹ, diễn viên, cán bộ, công nhân viên và có đóng góp rất lớn đối với ngành điện ảnh Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Đến những năm 80, cùng với những khó khăn, sự thăng trầm của đất nước, trường quay Cổ Loa đã bị quên lãng và trở nên tan hoang, cỏ mọc um tùm.

Việc phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa, tiến tới hình thành một trường quay đa năng, hiện đại, có quy mô là tâm nguyện của cả nước nói chung và của toàn ngành điện ảnh nói riêng. Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xây dựng lại trường quay Cổ Loa, với sự đầu tư kinh phí lớn của Nhà nước, quy hoạch xây dựng tổng thể, từng bước phát triển trường quay Cổ Loa thành trung tâm kỹ thuật điện ảnh của cả nước và khu vực.

Hồi sinh sau nửa thế kỷ

Sau 2 năm thực hiện, dự án phục hồi, cải tạo trường quay Cổ Loa giai đoạn 1, bộ mặt trường quay Cổ Loa đã có nhiều đổi khác. Những dãy nhà cũ xuống cấp đã được sửa sang sạch đẹp. Trường quay nội cảnh rộng 400 m2, do Cộng hòa dân chủ Đức (cũ) giúp đỡ xây dựng từ năm 1960 đã được cải tạo, nâng cấp trở thành trường quay hiện đại nhất của Việt Nam với hệ thống điều hòa trung tâm đảm bảo điều kiện tối ưu cho hoạt động sáng tác. Toàn bộ hệ thống tời treo đèn được điều khiển bằng máy tính, các điều kiện kỹ xảo, hệ thống phông ghi hình, trang âm được trang bị đầy đủ để quay thu đồng bộ, đảm bảo tính trung thực của bộ phim. Khu ký túc xá cũ đã được sửa sang thành hệ thống nhà nghỉ với 33 phòng, đủ chỗ cho hai đoàn làm phim cùng nghỉ khi đến quay phim tại đây. Đặc biệt, một khu trường quay ngoại cảnh với hệ thống tường thành, cổng thành, những khu phố cổ, cung điện, nhà thủy đình... phục vụ việc quay phim đã được dựng lên ngay phía sau trường quay nội. Được biết, hai bộ phim dã sử là “Thái sư Trần Thủ Độ” và “Huyền sử thiên đô” đang thực hiện các cảnh quay tại đây.

Về tổng thể, khu trường quay Cổ Loa đang được phục hồi và đã có thể đưa vào sử dụng, duy chỉ có khu nhà thu thanh cũ là vẫn đang trong tình trạng đổ nát, xuống cấp vì chưa có quyết định đầu tư tiếp. Theo ông Nguyễn Văn Nhiêm – Giám đốc trường quay Cổ Loa, khu nhà thu thanh này được Liên Xô (cũ) giúp đỡ xây dựng cách đây gần 50 năm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Nhưng khu nhà này đang bị bỏ không vì chưa có quyết định đầu tư tiếp. “Trong khi các nhà làm phim Việt Nam vẫn phải đưa phim sang Thái Lan làm âm thanh, mà ta lại bỏ phí một nhà thu thanh tiêu chuẩn như vậy quả là lãng phí. Nếu được đầu tư kinh phí sửa chữa, sẽ chỉ mất vài tháng để phục hồi nguyên trạng và có thể thay đổi được bộ mặt của điện ảnh Việt Nam về âm thanh, từ đó nâng cao được chất lượng của bộ phim. Trong khi đó, nếu xây mới một nhà thu thanh sẽ phải mất gấp 3 lần kinh phí sửa chữa” – ông Nhiêm khẳng định.

Theo dự án, đến cuối năm 2015, trường quay Cổ Loa sẽ đạt công suất khoảng 30 phim truyện nhựa/năm và năm 2020 sẽ đạt 35 phim truyện nhựa, đến 2030 sẽ đưa nước ta đứng trong 30 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện ảnh. Hy vọng rằng khi trường quay Cổ Loa đi vào hoạt động, sẽ tạo cơ hội để hoạt động của điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp và có chất lượng hơn.

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN