Cơ hội cho chuyển đổi số thư viện
Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực thư viện, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế - chính sách ở tầm vĩ mô cho sự phát triển ở lĩnh vực thư viện. Đây là cơ hội lớn để ngành thư viện Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng tốc hiện đại hóa thư viện, tạo sức bật cho giai đoạn mới trong bối cảnh mới với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chuyển đổi số, phát triển thư viện số, kết nối, liên thông thư viện Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ quan trọng của các thư viện đã được đề cập trong các văn bản pháp lý. Cụ thể, trong Luật Thư viện 2019, nhiệm vụ này được yêu cầu mạnh mẽ, quy định riêng các nội dung lớn tại Điều 29 Liên thông thư viện và Điều 31 Phát triển thư viện số; Mục 6, từ Điều 24 đến Điều 30 tại Nghị định số 93/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện với nội dung, phương thức, cơ chế, nguyên tắc chi tiết để thực hiện.
Để cụ thể hóa các nội dung liên quan đã được quy định trong Luật Thư viện 2019 và Nghị định số 93/2020/NĐ-CP Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, ngày 11/2/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu: ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Chương trình đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật; Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện; Phát triển dữ liệu số ngành thư viện; Xây dựng và phát triển nền tảng số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Để triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ngày 23/7/2021 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn cụ thể.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số ngành thư viện, thực hiện các nhiệm vụ triển khai phục vụ chuyển đổi số và quản lý ngành thư viện về chuyển đổi số; Triển khai các hoạt động truyền thông về chuyển đổi số và kết nối liên thông thư viện; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thư viện (tập trung vào quy trình hoạt động thư viện, chuyên môn nghiệp vụ thư viện, liên thông thư viện, số hóa tài liệu thư viện); Tổ chức hội thảo, tập huấn bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ người làm công tác thư viện về quản lý thư viện hiện đại, chuyển đổi số trong thư viện; Học tập kinh nghiệm các quốc gia phát triển mạnh về chuyển đổi số thư viện…
Giai đoạn 2026 - 2030 có nhiệm vụ tiếp tục triển khai, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, dữ liệu số ngành thư viện ở giai đoạn 2021 - 2025; Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình, chuẩn bị thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới…
Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện cho rằng, chỉ trong một thời gian rất ngắn, ngành thư viện Việt Nam đã có khá đầy đủ hành lang pháp lý để hiện đại hóa thư viện, chuyển từ hoạt động thư viện truyền thống sang hướng hiện đại. Điều này đồng nghĩa với việc ngành thư viện Việt Nam từ Trung ương đến các địa phương sẽ chuyển dần từ “quản lý thư viện” sang “quản trị tri thức” và tài nguyên thông tin trong các thư viện và trung tâm thông tin - thư viện ở nước ta. Đây có thể coi là bước ngoặt quan trọng nhất, có tính chất quyết định nhất đối với ngành thư viện Việt Nam trong tương lai, trong kỷ nguyên số. Đó cũng là bước đi phù hợp với quy luật phát triển của thời đại, phù hợp với xu thế các thư viện trên thế giới; nhằm phục vụ tối ưu cho người dùng tin và bạn đọc trong cả nước.
Còn nhiều khó khăn
Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho rằng, mặc dù công tác chuyển đổi số đã có nhiều thành tựu cũng như có nhiều cơ hội, song cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Đầu tiên là thách thức về hạ tầng công nghệ. Theo bà Kiều Thúy Nga, thực tế hiện nay, hệ thống thiết bị phục vụ việc số hóa tài liệu, xây dựng dữ liệu số tại các thư viện còn thiếu, số lượng rất ít, chỉ từ 1 - 3 máy, cá biệt có thư viện còn chưa có thiết bị số hóa để sử dụng. Số lượng máy ít ỏi đang là thách thức lớn cho quá trình tạo lập nguồn tài nguyên thông tin số tại các thư viện. Bên cạnh việc thiếu thiết bị, các thư viện trên cả nước hiện đang sử dụng nhiều loại phần mềm khác nhau, trong đó, phần lớn là các phần mềm không đạt chuẩn quốc tế, thậm chí, nhiều nơi giải pháp công nghệ được trang bị đã trên 20 năm làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tích hợp, liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung cho các loại hình thư viện.
Khó khăn thứ hai là về chuyển đổi dữ liệu, xây dựng tài nguyên thông tin dạng số. Theo bà Kiều Thúy Nga, hiện nay việc triển khai xây dựng nguồn tài nguyên dạng số thông qua số hóa tài liệu thư viện còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân như: vấn đề bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực, ngân sách... Đơn cử, Thư viện Quốc gia Việt Nam là đơn vị xây dựng được nguồn tài nguyên thông tin số lớn nhất trong cả nước, tuy nhiên theo số liệu thống kê đến tháng 10/2022, Thư viện mới chỉ thực hiện số hóa được khoảng 3% tổng số tên sách và 11,1% tổng số báo, tạp chí hiện có.
Bên cạnh đó, những khó khăn do hạn chế về kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi số, khó khăn về nguồn nhân lực để chuyển đổi số lĩnh vực thư viện cũng là vấn đề cần lưu ý, quan tâm. Thêm vào đó, những trở ngại về nhận thức cũng là một thách thức đối với lĩnh vực này. Bởi thực tế hiện nay, vẫn còn một số cấp lãnh đạo, quản lý chưa coi trọng thực hiện chuyển đổi số trong thư viện, còn tồn tại quan điểm “chưa phải vấn đề cấp thiết”, “không phải lĩnh vực thiết yếu”; hay tâm lý ngại thay đổi, ngại triển khai… của một bộ phận nhân sự, người lao động cũng gây cản trở quá trình chuyển đổi số thư viện.
Bà Kiều Thúy Nga cho rằng, để thư viện chuyển đổi số thành công, trước hết cần phải chuyển đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động và thư viện về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số. Cùng với việc thay đổi nhận thức, các thư viện cần tập trung phát triển hạ tầng công nghệ, nền tảng số. Theo bà Kiều Thúy Nga, đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển thư viện số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số bao gồm hệ thống trang thiết bị các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số và các công cụ hỗ trợ để khai thác các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để triển khai các hoạt động thư viện và dịch vụ thư viện trên môi trường số. Các nền tảng này nhất thiết phải đạt yêu cầu về các chuẩn nghiệp vụ, đồng thời hỗ trợ các cơ chế tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các thư viện, các tổ chức có nhu cầu kết nối, sử dụng.
Theo Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Trang (Thư viện Quốc gia Việt Nam), để chuyển đổi số thư viện có hiệu quả, các thư viện phải chú trọng hơn nữa việc tăng cường nguồn lực tài liệu số bao gồm việc bổ sung các tài liệu xuất bản số, bổ sung các loại hình tài liệu đa phương tiện như sách in có tương tác kỹ thuật số, Ipad kèm ứng dụng sách tranh…; Đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ thư viện trực tuyến; Tăng cường công tác truyền thông trong hoạt động thư viện nhằm quảng bá hoạt động của thư viện, giới thiệu vốn tài liệu, thu hút và kích thích nhu cầu đọc sách; Tăng cường phát triển nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số thư viện và phát triển văn hóa đọc…
Tiến sỹ Lê Tùng Sơn - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để thực hiện các định hướng của Chính phủ trong chuyển đổi số thư viện, vấn đề đầu tiên của ngành thư viện đó là giải quyết thấu đáo vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển đổi số thư viện. Bên cạnh vấn đề bản quyền thì vấn đề kinh phí để trang bị thiết bị, phần mềm có thể hỗ trợ quản lý truy cập tài liệu số đảm bảo an toàn, an ninh và bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ với các tài liệu cũng là một trong những vấn đề cần sớm có giải pháp thiết thực để hoạt động chuyển đổi số được đẩy nhanh.
Có thể thấy, để đẩy mạnh chất lượng chuyển đổi số lĩnh vực thư viện, Nhà nước cần có những chính sách đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghệ, nội dung số hóa cho các thư viện, đảm bảo cho việc triển khai chuyển đổi số hoạt động thư viện hiệu quả và bền vững. Các thư viện Việt Nam cũng cần xác định hướng đầu tư tập trung, hiệu quả để đem lại hiệu quả cao nhất, đáp ứng với nhu cầu của sự phát triển.