Vào mỗi buổi tối thứ 3, 5, 7 hàng tuần, khách du lịch qua lại gần đền Quán Đế, ở số 28 phố Hàng Buồm (Hà Nội), lại nghe văng vẳng tiếng đàn, tiếng phách, rồi những tiếng hát trong trẻo vang vọng từ ngôi đền cổ kính, trầm mặc. Các ca nương, kép đàn của Giáo phường ca trù Thăng Long đang đắm mình trong những câu hát “hồng hồng, tuyết tuyết”, từng bước dẫn dắt du khách trở về không gian ca quán xưa của nghệ thuật ca trù, để du khách hiểu thêm về một di sản văn hóa của Việt Nam.
Một tiết mục biểu diễn của Giáo phường ca trù Thăng Long. |
Nghe ca trù cùng khách ngoại
Từ 19 giờ tối, khu vực xung quanh đền Quán Đế vang vọng tiếng hát ca trù từ chiếc loa để ngay ngoài cửa đền, khiến du khách qua đường không khỏi tò mò. Bên chiếc bàn giới thiệu, những nam thanh, nữ tú trong trang phục người Việt xưa nhiệt tình mời du khách ghé vào đền, thưởng thức nghệ thuật ca trù - loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Rất nhiều du khách sau khi được nghe giới thiệu về loại hình nghệ thuật này, lại nghe những giai điệu qua đĩa hát, rất tò mò, mua vé vào nghe.
Ben Nemeth cùng bạn gái Allison, là du khách Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam đã bị chinh phục bởi những giai điệu lạ lùng, mà không ngần ngại mua vé vào, để có thể “hiểu thêm về văn hóa của các bạn”, như lời của Ben nói. Còn Dany và bạn gái của anh, đến từ Australia thì biết đến chương trình này qua tờ rơi giới thiệu ở khách sạn nơi anh đang thuê phòng.
20 giờ. Tiếng loa ngoài cửa được tắt đi, cánh cửa đền đóng lại, không gian quanh đền Quán Đế trở nên tĩnh lặng, chuẩn bị cho một canh hát ca trù theo lối xưa. Lúc này, những dãy ghế dành cho khách ngồi cũng đã gần kín khách. Chủ yếu là du khách nước ngoài, đến từ Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc… Ba tiếng cồng mạnh mẽ vang lên, ánh đèn phía khán giả dần tắt. Trong không khí trang nghiêm, tĩnh lặng, thoang thoảng hương trầm, các cô đào biểu diễn thể cách “hát dâng hương”. Trong âm vang của tiếng trống, tiếng chiêng, trong thanh âm trầm đục ngân nga của tiếng đàn đáy, các cô đào đứng xếp hai hàng dọc hai bên khán giả, hai tay chắp trước ngực với một nén nhang, tất cả các ca nương đều cùng nhau cất tiếng hát, dẫn dắt du khách làm quen với không gian của nghệ thuật ca trù. Kết thúc bài hát, là lúc các cô đào dâng hương lên ban thờ của đền Quán Đế.
Sau nghi thức dâng hương là một khoảnh thời gian để du khách tĩnh tại, các cô đào - thành viên của Giáo phường ca trù Thăng Long, cùng những tình nguyện viên mời khán giả vừa thưởng thức trà và bánh đậu xanh, vừa nghe nghệ nhân Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Giáo phường và đào nương Phạm Thị Mận giới thiệu về nghệ thuật ca trù, về lịch sử phát triển của ca trù, từ khi ca trù bắt đầu hình thành, đến thời kỳ ca trù hưng thịnh nhất, rồi thời kỳ ca trù suy thoái, và hiện đang từng bước hồi phục... Các nghệ nhân cũng giới thiệu cặn kẽ với du khách về những nhạc khí sử dụng trong ca trù, đồng thời giới thiệu với du khách về cách người Việt Nam xưa thưởng thức ca trù, dùng thẻ tre để khen thưởng các cô đào.
Trong tiếng ngân nga trầm đục của đàn đáy, trong tiếng phách ròn rã, lả lơi, trong tiếng trống trầu tom chát… các cô đào cất giọng hát trong trẻo, những thể cách khác nhau của ca trù lần lượt được biểu diễn… từ “Gửi thư” đến “Chơi Hồ Tây”, rồi “Tỳ bà hành”…
Giờ giải lao giữa canh hát, vừa mời du khách thưởng thức trà, bánh, nghệ nhân Phạm Thị Huệ vừa mời khán giả chụp hình kỷ niệm với các cô đào, và lên tìm hiểu, chơi thử các nhạc cụ. Ben Nemeth và bạn gái Allison rất thích thú, hào hứng với việc khám phá sự kỳ diệu của những nhạc cụ sử dụng trong canh hát này. Allison tò mò thử sức với cây đàn đáy, chị không giấu được sự phấn khích khi tự tay mình đánh được một vài nốt nhạc. Còn Ben thì đề nghị nghệ nhân hướng dẫn anh cách đánh trống sao cho đúng nhịp… Một vài du khách nước ngoài khác thì tò mò gõ thử sênh, phách… Người thì bẽn lẽn, người lại bật cười vui vẻ mỗi khi biết mình gõ lạc nhịp…
Alisson thích thú và tò mò thử sức với cây đàn đáy. |
Hết giờ trải nghiệm, du khách trở về chỗ ngồi, tiếp tục lắng nghe những giai điệu độc đáo của ca trù. Xen giữa tiếng hát trong trẻo của các cô đào, là tiếng “leng keng” của những chiếc thẻ tre mà các du khách “thưởng” cho cô đào… Cuối cùng, tiết mục múa hát Bỏ bộ. Các cô đào vừa hát, vừa múa phỏng theo động tác sinh hoạt hàng ngày của người nông dân như xe chỉ, may vá, bắn cung, niệm Phật… Canh hát kết thúc trong tiếng vỗ tay tán thưởng nhiệt tình của người xem.
Điểm đến yêu thích
“Thật là tuyệt vời. Lần đầu tiên trong đời tôi được nghe hát ca trù. Tiếng hát của các bạn trong trẻo, làm rung động đến tận sâu trong tim tôi. Qua tiếng hát của các bạn, qua cách các bạn biểu diễn, tôi đã phần nào hình dung ra những nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam ngày xưa. Đây là một trong những chương trình nghệ thuật ấn tượng nhất mà tôi được nghe”, Ben Nemeth chia sẻ. Bạn gái anh, Allison cũng không ngớt lời khen: “Âm nhạc quá tuyệt vời”. Anh chị khoe, đã chọn mua một vài đĩa nhạc này về để tặng bạn bè... Những du khách, người tranh thủ hỏi các ca nương để tìm hiểu thêm về ca trù, người thì hào hứng ghi lại cảm xúc của mình trong cuốn lưu bút.
Lật giở cuốn sổ lưu bút của du khách để lại, mới thấy nghệ thuật ca trù được du khách nước ngoài yêu thích như thế nào. Mr. Geir Oslo đến từ Na Uy viết: “Canh hát như một viên ngọc ẩn sau những con phố nhộn nhịp…”. Một khán giả đến từ California thì viết: “Cảm ơn các bạn đã giữ truyền thống đẹp duy nhất chỉ có ở Việt Nam! Khoảng khắc khó quên...”. “Tuyệt vời! những âm thanh quyến rũ của nhạc và thơ” hay “Hãy dành thời gian đến đây, những giọng ca đầy ám ảnh”...
Nghệ nhân Phạm Thị Thuệ đang giới thiệu với du khách về các nhạc cụ biểu diễn trong ca trù. |
Nghệ nhân Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thăng Long, người phụ trách chương trình biểu diễn cho biết: Một tuần ba buổi, vào khoảng 20 giờ các tối thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, Giáo phường Ca trù Thăng Long bắt đầu canh hát của mình. Khán giả đến với nghe hát chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Đa số là khách lẻ, nhưng cũng khá đều đặn, thường từ khoảng trên 10-20 khách. Cũng có khi có công ty du lịch đưa cả đoàn 30-40 khách đến nghe. “Hầu hết du khách đều thích thú, họ nói rằng, đây là loại hình âm nhạc đặc trưng của Việt Nam, không giống ở các nước khác. Nhiều người còn ngỏ lời cảm ơn tôi vì đã gìn giữ nghệ thuật này, để họ có cơ hội được thưởng thức khi đến Hà Nội. Có đoàn giáo sư đến từ Phần Lan còn nói, khi về nước, họ cũng sẽ học tập mô hình này để phát triển âm nhạc dân tộc nước họ...”, nghệ nhân Phạm Thị Huệ cho biết.
Để ca trù có được sự yêu mến của du khách nước ngoài như ngày nay, là sự nỗ lực không ngừng trong một thời gian dài của các nghệ nhân. Nghệ nhân Phạm Thị Huệ cho biết, thời kỳ đầu, hầu như không có khách đến nghe, nhiều hôm các đào nương, kép đàn biểu diễn... cho nhau xem. “Chúng tôi cũng rất lo lắng. Nhưng tôi vẫn kiên trì, bởi tôi tin rằng, với những giá trị độc đáo, dần dần ca trù sẽ tìm được chỗ đứng, và nó sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo với du khách”, nghệ nhân Phạm Thị Huệ chia sẻ.
Nghĩ vậy, nên nghệ nhân Phạm Thị Huệ và các thành viên của Giáo phường ca trù Thăng Long không ngừng nỗ lực, vừa biểu diễn miễn phí, vừa không quản ngại mưa, nắng, đến từng nhà hàng, khách sạn, rồi đến các công ty du lịch phát tờ rơi giới thiệu về chương trình biểu diễn ca trù… dần dần, lượng khách đến với các canh hát ngày càng đông hơn. Từ chỗ biểu diễn mỗi tuần một buổi miễn phí mà vẫn vắng khách, đến nay, dù đã bán vé, số buổi biểu diễn lên ba buổi/tuần nhưng lượng khách đến nghe ca trù cũng đều đặn và ngày càng đông hơn. Bước đầu có thu nhập, nên các thành viên, nhất là các bạn trẻ cũng yên tâm hơn để gắn bó với nghệ thuật ca trù.
Đến nay, các chương trình biểu diễn của Giáo phường ca trù Thăng Long đã trở thành một phần của văn hóa phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, nghệ nhân Phạm Thị Huệ vẫn không khỏi băn khoăn, bởi khán giả đến với chương trình chủ yếu vẫn chỉ là khách lẻ, khách vãng lai, mà chưa được các công ty du lịch chính thức đưa vào trong lịch trình tour du lịch. Để ca trù thực sự trở thành một nét văn hóa phố cổ, là điểm đến hấp dẫn du khách, rất cần có sự chung tay của các nhà quản lý văn hóa, du lịch, của các công ty du lịch trong việc tạo điều kiện và giới thiệu du khách đến thưởng thức loại hình nghệ thuật này.
“Nếu chúng ta có thể tạo điều kiện để du khách được thưởng thức âm nhạc dân tộc trong một không gian truyền thống, để du khách nghe, cảm nhận và hình dung ra những nét sinh hoạt văn hóa của người Việt xưa, thì nghệ thuật ca trù sẽ trở thành một điểm đến được nhiều du khách yêu thích, mỗi khi đến Hà Nội”, nghệ nhân Phạm Thị Huệ tin tưởng.