Chương trình nghệ thuật và Tọa đàm 'Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc'

Chương trình nghệ thuật và Tọa đàm với chủ đề “Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Tôn giáo (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tối 30/3.

Dự chương trình có các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành.

Sự kiện hướng tới chào mừng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2024, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chào mừng khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo thời Lý - Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường”, sẽ được tổ chức vào ngày 31/3.

Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Thanh Điện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Chương trình cho biết, trải qua hơn 2.000 năm du nhập, đồng hành và phát triển cùng với lịch sử dân tộc, Phật giáo vào Việt Nam đã nhanh chóng trở thành tôn giáo chính có vai trò quan trọng trong truyền bá giáo lý Phật pháp đến với đời sống của nhân dân, xã hội.

Đặc biệt, dưới triều đại nhà Lý, Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, có vai trò quan trọng trong truyền bá giáo lý của Đức Phật, bảo vệ chúng sinh, xây dựng Tổ quốc. Với truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” đã thể hiện được tinh thần phục vụ công tác Phật sự, hoằng pháp đến tất cả chúng sinh; tinh thần yêu nước, yêu dân tộc thể hiện ở quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự chủ trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời khẳng định tinh thần gắn kết, hòa đồng giữa đạo với đời; đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Do đó, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình truyền bá Phật pháp của mình.

Trong thời kỳ lịch sử này, các vị thiền sư, các vị tăng sĩ có đạo cao, đức trọng, học vấn uyên thâm được triều đình mến mộ và trọng dụng, vì thế, các bậc cao tăng, thiền sư đã dốc tâm, dốc sức phò vua, giúp nước, xây dựng xã tắc vững bền. Nhiều vị thiền sư trở thành thầy dạy của vua, được phong tăng thống, tăng lục, quốc sư như: thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Viên Chiếu, thiền sư Thông Biện, thiền sư Viên Thông, thiền sư Không Lộ...

Vai trò chủ yếu của các vị tăng sư, thiền sư, quốc sư, tăng thống thời Lý là những cố vấn đắc lực giúp vua, quan, hoàng tộc và nhân dân hiểu biết về giáo lý đạo Phật, thậm chí, các vị còn cố vấn cho vua những chính sách quan trọng về đạo trị quốc, an dân.

Bước sang triều đại nhà Trần, truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” được thể hiện rất rõ thông qua hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông hai lần khoác chiến bào cùng với toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên để bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc, sự toàn vẹn của non sông đất nước, bảo vệ đời sống của nhân dân. Đến cuối năm Kỷ Hợi (1299), Trần Nhân Tông chính thức đến núi Yên Tử đi tu, Ngài lấy pháp hiệu là Trúc Lâm đại sĩ, xưng là Hương Vân đại đầu đà, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, có nhiều đóng góp to lớn cho Phật giáo Việt Nam và cho dân tộc.

Khi đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Phật giáo Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới theo tinh thần hòa hợp, đoàn kết.

Giáo hội các cấp, tăng, ni, Phật tử cùng với nhân dân cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới đất nước, quan tâm, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người dân. Để làm được điều đó, các tăng, ni, Phật tử cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” để tiếp tục đem đạo vào đời, cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng phát triển, giàu mạnh và hùng cường.

Tiếp nối thành công của các kỳ Hội thảo khoa học quốc gia trước đó, năm 2024, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường”. Qua đó, thể hiện tầm quan trọng của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng đất nước, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của Phật giáo Việt Nam trong các hoạt động chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người dân, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tại chương trình, các chư tôn đức, đại biểu khách mời đã làm rõ lịch sử du nhập, phát triển và những đóng góp to lớn của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn là sợi dây gắn kết các tầng lớp nhân dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Nổi bật trong thời chiến là phong trào “cởi áo cà sa, khoác chiến bào”, nhất tề cùng cả nước đứng lên chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là phong trào “cởi áo cà sa, khoác áo blouse”...

Cũng tại Chương trình, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trao 20 suất quà cho 20 học sinh nghèo vượt khó, có thành tích học tập xuất sắc đến từ các trường của Hà Nội, mỗi suất là một laptop trị giá 15 triệu đồng.

Trước đó, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn tăng ni, Phật tử của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng đến tri ân các anh hùng liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với cách mạng.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Tọa đàm khoa học “Kim cương thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay”
Tọa đàm khoa học “Kim cương thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay”

Sáng 26/3, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), tọa đàm khoa học “Kim cương thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay” đã được Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại tổ chức với sự tham dự của chư tôn đức, các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN