Chuẩn bị cho Lễ đón nhận Bằng ghi danh 'Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam'

Nhằm tăng cường giới thiệu với nhân dân cả nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của các địa phương, tỉnh Tuyên Quang đang tích cực chuẩn bị tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022.

Chú thích ảnh
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hầu như huyện nào (kể cả thành phố Tuyên Quang) cũng có hát Then, nhưng vùng hát Then đậm đặc, được duy trì, bảo tồn nguyên giá trị chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình. Ảnh: TTXVN

Theo đó, các hoạt động chính của Lễ đón nhận Bằng ghi danh và Lễ hội Thành Tuyên dự kiến được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 8-10/9).

Lễ đón nhận Bằng ghi danh có sự tham gia của 11 tỉnh có di sản thực hành Then (gồm Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai), được tổ chức ngày 9/9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang).

Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: Cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới. Năm 2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chương trình Lễ hội Thành Tuyên năm 2022, được tổ chức với chủ đề “Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên” với khoảng 50 mô hình đèn lồng tham gia diễn diễu. Lễ hội này tại Tuyên Quang đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước bởi sự độc đáo của những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân có kích thước “siêu khủng”. Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam đã chứng nhận “Đêm hội Thành Tuyên có nhiều mô hình đèn độc đáo, lớn nhất Việt Nam”.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 còn diễn ra nhiều hoạt động khác như: Chung kết cuộc thi "Người đẹp Xứ Tuyên "; Ngày Văn hoá Tuyên Quang tại Hà Nội; Trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghi lễ sinh hoạt truyền thống các dân tộc; triển lãm ảnh “Sắc màu văn hóa các dân tộc Tuyên Quang”; Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; Chương trình “Trưng bày, giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”...

Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 là một trong những hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Tuyên Quang 2022. Đây là cơ hội để kết nối các sản phẩm văn hóa, du lịch của tỉnh Tuyên Quang với cả nước và quốc tế, tạo bước phát triển mới cho du lịch Tuyên Quang.

Trong những tháng đầu năm 2022, lượng du khách đến tỉnh Tuyên Quang tăng đột biến. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch của tỉnh trên đường phục hồi và phát triển trở lại trong điều kiện kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Năm 2022, tỉnh phấn đấu đón hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội về du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

Vũ Quang (TTXVN)
Du lịch Tuyên Quang thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch
Du lịch Tuyên Quang thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch

Với gần 500 di tích lịch sử, gắn với những địa danh nổi tiếng, Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, chủ động khai thác thị trường khách nội địa, đưa Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến trở thành điểm đến thân thiện, an toàn với du khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN