Những tháng đầu năm nay, lượng du khách đến với tỉnh Tuyên Quang tăng đột biến, chỉ riêng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trong tháng 1 và 2/2022 đã đón hơn 35.000 khách đến tham quan. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch tỉnh Tuyên Quang trong điều kiện sống chung, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thắp lên hy vọng du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi.
Được biết, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh Tuyên Quang đã ra mắt sản phẩm du lịch trải nghiệm mới "Bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa" vào tháng 1/2022, tại hồ Nà Nưa, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, qua đó tạo sự kết nối bền chặt giữa du lịch lịch sử và trải nghiệm văn hóa địa phương.
Cùng với các địa phương, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, tung ra những gói sản phẩm mới kích thích nhu cầu du lịch của người dân, du khách.
Bà Chẩu Thị Nga, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ cho biết, đơn vị đã xây dựng các sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau, theo hình thức trọn gói khép kín, đảm bảo an toàn. Khách đến với Tuyên Quang không chỉ được tham quan những cảnh đẹp, danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch lịch sử, mà còn được thưởng thức ẩm thực và văn hóa các địa phương.
Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đang phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 280 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 3.000 phòng. Trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao, 37 khách sạn từ 1 - 2 sao với phong cách phục vụ chuyên nghiệp.
Bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Mắt xích" quan trọng nhất để phục hồi ngành du lịch tỉnh trong năm 2022 là tập trung thu hút khách du lịch nội địa làm chủ đạo, tạo điều kiện để người dân trong, ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm các khu, điểm du lịch trong tỉnh; đồng thời xây dựng hình ảnh du lịch "Tuyên Quang điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn" đối với du khách trong và ngoài nước.
Để thu hút du khách đến với tỉnh, trong năm 2022, Tuyên Quang sẽ tổ chức nhiều sự kiện du lịch, văn hóa, ẩm thực lớn như: Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất vào cuối tháng 3/2022; lễ hội Thành Tuyên; lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; trưng bày gian hàng sản phẩm OCOP, gian hàng ẩm thực, các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc; các hoạt động du lịch trải nghiệm về nguồn, trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng...
Cũng theo bà Mai, phát triển du lịch cũng được Tuyên Quang xác định là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, kinh doanh dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (huyện Chiêm Hóa), Danh thắng quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình... Tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án du lịch thông minh; phát huy các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt; xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Địa phương còn tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các chương trình kết nối tua, tuyến du lịch, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Đồng thời, Tuyên Quang sẽ tập trung đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh; tạo môi trường thuận lợi, có cơ chế đặc thù, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp...
Tỉnh khuyến khích thành lập các doanh nghiệp lữ hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động ngành du lịch; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng..., từng bước đưa Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách trong và ngoài nước.
Tuyên Quang phấn đấu năm 2022 đón hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội về du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Đến năm 2025, đón trên 3 triệu lượt khách du lịch; tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm cho trên 25.000 lao động. Đến năm 2030, đón trên 5,5 triệu lượt khách du lịch; đóng góp vào GRDP toàn tỉnh từ 10% trở lên; tạo việc làm cho trên 35.000 lao động…