Trước khi trở thành nhà văn có tiếng trên văn đàn, Y Ban (ảnh) từng dạy học, rồi bán gà tần thuốc bắc để trang trải cuộc sống. Chị thuộc tuýp đàn bà “Gừng càng già càng cay”. Tất nhiên, đàn bà như thế không khi nào sướng được.
Giảng viên Sinh học
Y Ban ngay từ đầu không hề chọn văn chương là con đường mình theo đuổi, để rồi có lúc khốn đốn với nó, nhưng cũng thật hạnh phúc với nó. Mỗi tác phẩm ra đời như người mẹ dứt từng núm ruột, trăn trở, day dứt, mang cả chuyện đời, chuyện người, chuyện của chính mình.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Sinh, chị về quê ở Nam Định dạy Sinh hóa ở bộ môn: Sinh lý, sinh hóa, sinh lý bệnh ở trường Cao đẳng Y tế. Việc dạy học rất nhàn nhã, mỗi năm chỉ khoảng sáu, bảy mươi tiết. Tuổi trẻ năng động, chị tham gia công tác đoàn. Thời gian rộng dài còn lại, chị lao vào đọc bất cứ cuốn sách nào ở thư viện trường. Đọc rồi, chị nhủ, “họ viết thế này mình viết thừa”.
Truyện ngắn đầu tay “Người đàn bà có ma lực” (1986) của cô giáo dạy Sinh học kể về người đàn bà có tới tám mối tình nhưng cuối cùng lại chẳng lấy được ai. Thời ấy, câu chuyện của Y Ban khó có thể được đăng tải, bởi cách viết chẳng lấy gì làm hiền lành và nội dung cũng … gai quá. Có người ở Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định còn nói thẳng vào mặt cô giáo Ban: “Viết như tát vào mặt người đọc, in làm sao được” (chỉ có điều, cho đến bây giờ, Y Ban vẫn giữ lối viết mạnh mẽ, dữ dội và quyết liệt ấy). Chẳng chịu để yên như thế, chị tiếp tục gửi truyện ngắn đến dự thi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một ấn phẩm danh tiếng về văn nghệ vốn ít ỏi, với những cây viết chuyên nghiệp lúc bấy giờ.
Một hôm, đang lúc ngồi vắt vẻo trên cửa sổ thư viện trường (Y Ban thường vào thư viện bằng cách trèo qua lối cửa sổ cho nhanh), thì bác bảo vệ gọi bảo, có người đàn ông cứ nằng nặc đòi gặp “anh Ban”. Từ cửa sổ nhảy xuống, chị hỏi: Có việc gì thế anh? Người đàn ông đưa cho chị bức thư, bên ngoài đề: Kính gửi anh Phạm Xuân Ban, Bộ môn: Sinh lý, sinh hóa, sinh lý bệnh. Bên trong bức thư viết: Nguyễn Đức Ban thân mến...”. Thư viết đại loại là, truyện ngắn sẽ đăng số tháng 6/1989, rằng “anh là người viết có tài và rất có khả năng, mong anh tiếp tục cộng tác”. Ngoài việc nhầm lẫn về giới tính ra, thông báo trên làm Y Ban vô cùng sung sướng.
Cũng thời điểm ấy, Cao đẳng Y Nam Định và Đại học Y Thái Bình sáp nhập, chị sang Y Thái Bình để tiếp tục giảng dạy. Nhưng nhân tính không bằng trời tính. Viết văn dữ dội bao nhiêu, thì chị yêu cũng mãnh liệt bấy nhiêu. Tình yêu cháy bỏng với chàng nghệ sỹ điêu khắc Hà Nội đủ để chị, sau khi mọi thủ tục chuyển về Thái Bình vừa xong xuôi, quyết định bỏ dạy học, lên Hà Nội học Viết văn Nguyễn Du; và 2 năm sau thì lên xe hoa, bắt đầu một cuộc sống khó nhọc đầy bươn chải sau đó.
Ra vỉa hè kiếm sống
Cuối năm 1991, đang học dở viết văn, chị sinh con đầu lòng. Tháng 7/1992, Y Ban ra trường, chưa có công ăn việc làm, làm gì để sống và nuôi con bây giờ. Vậy là, cô giáo Ban thuở nào lăn ra vỉa hè bán gà tần thuốc bắc.
Cho đến bây giờ, Y Ban vẫn khẳng định rằng, thời gian bán gà tần vỉa hè đó chính là trường đại học thứ ba (sau Tổng hợp và Viết văn Nguyễn Du) - “đại học vỉa hè”. Không ai có thể tưởng tượng cô gái từng chỉ biết đến sách vở lại phải lăn lộn buôn bán kiếm sống.
Cuộc sống mưu sinh buộc con người ta phải có một sự thay đổi mạnh mẽ. Năm thứ tư đại học Tổng hợp, Y Ban còn không thể cắt tiết nổi một con gà dù đã có người giữ chặt hai chân, hai cánh. Thế mà bây giờ, mỗi ngày chị cắt tiết vài chục con, tuốt vài đường là con gà sạch không còn cái lông nào. Đồng nát đi qua thấy bà chủ hàng gà tần vỉa hè làm gà nhoay nhoáy, ngoài việc chờ đợi để thu mua thứ phẩm của con gà thì còn là sự tò mò thích thú bởi sự thuần thục của bà chủ. Mùa đông, liên tục nhúng tay vào nước lạnh, tay chân chị nứt nẻ, chảy máu.
Bà chủ gà tần cũng quen dần với cuộc sống đường phố. Có lúc công an “hỏi thăm” cũng mồm năm miệng mười “xin anh tha cho em, em còn nuôi chồng con”. Bán riết, cả khu sân vận động Hàng Đẫy nhẵn mặt bà chủ. Sau này, khi viết truyện, có người đọc được, nhận ra tác giả không ai khác chính là bà chủ bán gà tần của khu phố, khi đi ngang qua còn nói với: “Ôi gà tần ơi, hóa ra gà tần cũng có học đấy nhỉ”. Câu nói vui nhưng chạnh lòng kẻ đeo nghiệp văn chương.
Nhưng thời gian làm việc vất vả ấy đã cho Y Ban vốn sống, sự va đập và cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống. Để những năm tháng sau này trở thành chất liệu quý giá, sinh động cuốn hút người đọc ở mỗi tác phẩm của chị.
Những trang viết ám ảnh
Không hiểu vì sao, do bản tính phàm thích cái gì thì phải có bản sắc, phải thật mãnh liệt mà nhiều tiểu tác phẩm của nhà văn Y Ban có tựa đề rất ấn tượng, thể hiện phong cách khó trộn lẫn của chị, từ Xuân từ chiều, Đàn bà xấu thì không có quà, Trò chơi hủy diệt cảm xúc và mới đây là ABCD.
Cách viết luôn mới mẻ, không theo lối mòn với bút pháp, lời lẽ sắc sảo, quyết liệt, thậm chí có lúc chua cay. Nhưng người khó tính nhất cũng nhận ra rằng, Y Ban đã lao động thật chăm chỉ và không ngừng làm mới mình, để mỗi tác phẩm có vị trí nhất định trong lòng độc giả và không ít trong số đó gặt hái được giải thưởng (dù chưa khi nào chị đặt ra).
Còn với chị, làm mới trong cách viết, bố cục, làm mới ngay trên những nội dung tưởng như không còn gì có thể làm cho mới hơn chính là thể hiện cái tôi biết sĩ diện với nghiệp văn, không muốn lặp lại mình, nhàm chán với chính mình.
Tiểu thuyết Xuân từ chiều Y Ban viết một mạch không xuống dòng, đọc như muốn “cạn hơi” nhưng không thể bỏ cuốn sách xuống. Trò chơi hủy diệt cảm xúc là nhiều mảnh đời gắn lại nhưng thật ra chỉ là của một con người. Tình yêu đích thực là ước muốn của cả nhân loại, nhưng chua xót thay “người” có thể khơi dậy tình yêu mãnh liệt trong trái tim người đàn bà lại chính là một con rôbốt được lập trình sẵn của một cuộc thi “trò chơi hủy diệt cảm xúc”.
Và bây giờ, tiểu thuyết ABCD cũng ám ảnh như thế. “ABCD, những chữ cái đầu tiên, những bước đi đầu tiên, cuộc tình đầu tiên, đứa con đầu tiên. Tất cả chỉ là quy ước của con người đặt ra. Dường như lâu nay, quy luật cuộc đời cũng vận theo trình tự đó. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng vậy, có lúc bị biến tướng, từ A không đến B mà có khi đến Z, nghĩa là đến tận cùng luôn”, Y Ban nói.
Vẫn xoay quanh những câu chuyện gia đình, những đứa con và tình yêu, đất đai lên giá, con giết mẹ để được hưởng gia tài, … Nhưng chị chọn một lối viết mới, với cách trình bày để trống dòng khi chuyển trang, để người đọc có thể viết tiếp vào đó câu chuyện của họ.
Chị sợ, nếu viết theo lối truyền thống người đọc sẽ nhìn thấy những vệt cũ, nhân vật quá cũ, bởi tình yêu đàn ông đàn bà, tình mẫu tử là muôn thuở, cái chết lại càng cũ nữa. Những thứ trà dư tửu hậu đều đã gặp, chẳng hạn bỗng dưng có người chết trôi thì cả làng đổ sô đi đánh đề, những việc này “xưa” quá rồi.
Y Ban mong muốn, trên cái nền cũ mà chị tập hợp lại có thể rút ra những vấn đề gì mới chăng. “Tôi đưa ra nhiều thông điệp, nhiều thứ khác mà nếu một nhà văn viết theo lối truyền thống chương hồi thì có lẽ nó sẽ kéo dài đến hàng nghìn trang sách chứ không gói gọn trong ba trăm trang thế này vì tôi để mở toàn bộ. Mỗi A, B, hay Z đều để mở để mọi người có thể viết tiếp và không có một cái kết nào cả”.
Cũng vì thế câu chuyện của Y Ban trong ABCD vừa rõ ràng, vừa bí ẩn, vừa lãng mạn, vừa nghiệt ngã, phũ phàng, thể hiện muôn màu cuộc sống.
Xuân Phong