Là thạc sĩ toán học, thầy giáo Phan Bá Trình (sinh 1965, thị trấn La Hà, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) lại làm thơ. Sự liên kết giữa logic lí trí và bay bổng của tưởng tượng làm nên một cõi riêng thi vị trong con người này.
Thơ và toán họcPhan Bá Trình hiện giảng dạy tại trường Đại học Phạm Văn Đồng (thành phố Quảng Ngãi). Những đề tài nghiên cứu toán học của anh được in thành bài giảng, đăng trên website của trường, in trong sách giáo khoa… Chẳng biết vùng La Hà, một trong mười hai danh lam thắng cảnh của Quảng Ngãi, có nâng cánh cho tâm hồn nghệ sĩ không, nhưng ngoài việc dạy học, anh còn sưu tầm cổ vật, đá cảnh, thư pháp, cây kiểng và sáng tác thơ. Đến nay, anh đã cho xuất bản tập thơ “Vết xước” (NXB Văn học, 2012) và tập “Mắt quê” (NXB Văn học - 2015).
Phan Bá Trình trong đêm ra mắt tập thơ “Mắt quê”. |
“Thơ và toán, với mình, có mối quan hệ bổ trợ. Hiện thực được đưa vào thơ theo một quy trình logic. Từ đó, thơ sẽ tâm hồn hóa cái logic tưởng chừng khô khốc ấy”, Phan Bá Trình nói. Thật đúng chất một thạc sĩ toán học làm thơ, một bài thơ của Phan Bá Trình ra tựa như kết quả của một quá trình… phác họa đồ thị, tìm ra ẩn số của phương trình. Này nhé, tứ thơ nảy ra, anh ghi lại ngay, từ đó, anh làm… dàn ý, anh suy luận ý tưởng đó phải được triển khai ở thể thơ gì, ngôn ngữ thế nào…
Phong cách của một người dạy toán khiến anh làm việc gì cũng chỉn chu đến từng chi tiết. Với thơ cũng vậy. Viết xong, anh đưa cho bạn bè chuyền tay nhau đọc, góp ý, rồi chỉnh sửa, mới cho ra bài thơ hoàn chỉnh. Khi được hỏi làm thơ theo kiểu “giải toán” như vậy có ảnh hưởng đến xúc cảm không, anh nói: “Xúc cảm là cái có sẵn trong tâm hồn, sợ gì nó mất đi”.
Với tâm hồn nghệ sĩ, anh được trò yêu bạn mến bởi tiếng cười nói hào sảng, thân mật. Anh có sẵn bài “Thơ tình toán học” được diễn ngâm trong ngày thi Olympic Toán học Việt Nam mấy năm trước, với những câu thơ: “Xích lại đi em/duyên ta thành phép cộng/tình thăng hoa theo phép lũy thừa/hạnh phúc chúng mình đã hội tụ đủ chưa/hay cứ song song như hai đường thẳng ấy”.
Xin còn giữ lại chút tìnhBàng bạc trong thơ Phan Bá Trình là những hình ảnh mang đậm hồn cốt làng quê Việt, như: Con đò, trái sung chát, bờ vách phên tre, trường làng, gốc rạ… Thơ rung lên những cung bậc cảm xúc khi nói về những hình ảnh thân thuộc ấy:“Đồng cỏ cháy và chiều nắng hạn/lúa đòng đòng đôi mắt vàng hoe/ngọn nồm nôm xào xạc bờ tre/chiếc cần vục múc trăng về trải ruộng”.
Ngay cả đến những tiêu đề bài thơ cũng thấm đẫm chất quê: Gọi quê, Gió quê, Làng quê, Nghẹn ngào lời ru, Đất quê, Hương đồng, Tiếng quê, Ngày giáp hạt, Tuổi thơ, Gốc rạ mắt lòng thao thức… Có nhận định rằng, quê hương cùng những hình ảnh của nó đã định hình trong thơ Phan Bá Trình như một lý thuyết nhận thức riêng biệt, xuyên suốt trong mỗi sự chiêm nghiệm. Từ đấy, Phan Bá Trình gợi cho độc giả một cuộc “hồi hương”, để thấy lại căn cốt của chính mình trong những bon chen của đời sống thị thành.
Bây giờ, thời đại của fastfood, nhộn nhịp đô thị… những hình ảnh như “đôi đũa bếp trui”, có lẽ, đã khuất lấp trong tâm trí nhiều người. Nên, khi thực hiện cuộc “hồi hương”, Phan Bá Trình chỉ biết nhớ, và nhớ:“Hương xưa/giờ biết đâu tìm/Giật mình/đáy biển mò kim/vá chiều”. Nỗi nhớ khiến người thơ như một con thú hoang, quay quắt đến tận tâm can: “Nhớ quay quắt/một đời…/con cáo chết/đầu quay về núi/gọi/quê ơi”. Đành rằng nước mắt chảy xuôi, nhà thơ tự hỏi mình sao nước mắt mình cứ chảy ngược. Để, những kỉ niệm của quá khứ cứ hiện về: Mải chơi mắt mẹ đỏ mờ/lằn roi ngày ấy bây giờ còn đau.
Cũng bởi, hiện tại có những thứ khiến người thơ xót xa:“Tóc hung hung rối trời quê/mắt nâu xênh xếch lối về thôn trang/còn chăng cái nét dịu dàng/tóc thề ai thả bay ngang tuổi hồng”.
“Làm một cuộc hồi hương về quá khứ, phải chăng thơ anh phủ nhận những gì ở hiện tại” - “Hoàn toàn không, mình có công việc, mình có những người mình yêu thương, mình là người gắn bó với thực tại hơn ai hết, cái mình mong muốn là xã hội dù thay đổi mấy, con người hãy giữ lại chút tình, đừng đánh mất đi bản chất yêu thương” - anh nói.
Mà đúng vậy, với Phan Bá Trình, xã dù có văn minh mấy, hãy giữ lại cái tình và một chút truyền thống đã lưu cữu trong mình. Anh viết: “Cánh chim ngang trời/bay về quá khứ/hỏi ai còn giữ/chút tình năm nao.” Người thơ đã sống hết mình với đời: “Ru tình - anh lặng lẽ/như chiếc đồng hồ cũ/cõng thời gian từng phút từng giây”. Để rồi, chỉ mong giữ lại những gì thuộc về xưa cũ: “Khấu đầu lạy mảnh đất quê/dạy ta biết ngược lối về cố hương”.
Độc giả có thể bắt gặp trong thơ Phan Bá Trình nhiều từ rất quê mùa, như:“vấp, chạm, vắt, vun, vịn, sũng, cõng, vẵng, lơ huơ…” Thơ Phan Bá Trình lúc nào cũng chân chất, hồn nhiên, và luôn nắm níu một chút tình như thế.
Khi chúng ta ngược xuôi trên những nẻo đường phố thị, cuộc sống dù bon chen, xin hãy yêu thương nhau như thuở ban đầu. Đấy là món quà mà thơ Phan Bá Trình dành tặng cho thơ, cho mọi người.