Chặn đứng sự xâm hại giá trị văn hóa Đông Sơn

Cách đây 90 năm, vào năm 1924, một nền văn hóa khảo cổ học rực rỡ đã được phát hiện lần đầu tiên tại làng Đông Sơn (nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa). Trải qua 90 năm phát hiện và nghiên cứu, khảo cổ học Việt Nam đã có những khám phá lý thú, làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về văn hóa, văn minh Đông Sơn, song cũng có những thách thức đặt ra trong vấn đề bảo tồn những di tích Đông Sơn hiện nay.

Văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ thứ 8 - 7 trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ 1 - 2 sau Công nguyên) có vị trí và vai trò đặc biệt trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Theo thống kê, hiện đã có trên 200 di tích thuộc văn hóa Đông Sơn được phát hiện ở nước ta, chủ yếu phân bố ở 3 lưu vực sông chính là sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Đến nay, số lượng di vật thuộc văn hóa Đông Sơn đã tìm được vô cùng đồ sộ, lên tới hàng chục nghìn hiện vật. Đặc biệt trong đó có nhiều hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia như thạp đồng Hợp Minh, thạp đồng Đào Thịnh, trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, mộ thuyền Việt Khê cùng với các đồ tùy táng, minh khí được phát hiện trong đó...

Khai quật di tích Bãi Cọi năm 2008. Ảnh: BTLSQG cung cấp


PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, những thành tựu trong quá trình nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn đã cho thấy, phạm vi cư trú của cư dân Đông Sơn được mở rộng, từ chân núi, trung du đến rìa đồng bằng cao, cư dân Đông Sơn đã tràn xuống, từng bước làm chủ và chinh phục đồng bằng châu thổ sông Hồng các vùng thấp trũng. Ví dụ như: Trung tâm đồng bằng Cổ Loa (là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương); Trung tâm Vinh Quang và Phú Lương (giáp ranh đồng bằng cao và đồng bằng thấp); Trung tâm Việt Khê với nhiều tư liệu thuyền liền kề...

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Văn Liêm cũng lên tiếng cảnh báo, tình trạng nhiều di tích Đông Sơn đang bị xâm hại bởi các công trình như nhà cửa, ruộng vườn canh tác... Rất nhiều di vật Đông Sơn bị thất lạc đang được buôn bán, trôi nổi trên thị trường. PGS.TS Bùi Văn Liêm cho rằng, tuy đã quá muộn, đã đến lúc chúng ta cần gióng tiếng chuông cảnh báo về hiện trạng các di tích thời đại kim khí Việt Nam đang bị xâm hại nặng nề, trong đó có văn hóa Đông Sơn và bản thân di tích Đông Sơn. Đồng thời, cần phải có hành động cụ thể để những di vật báu vật khảo cổ học Việt Nam, trong đó có văn hóa Đông Sơn, không trở thành món hàng trôi nổi trên các thương trường.

Cùng quan điểm này, PGS, TS Lâm Mỹ Dung (Bảo tàng Nhân học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã dẫn chứng: Hà Nội có 3 di tích liên quan đến văn hóa Đông Sơn là Đình Tràng (Đông Anh), Vườn Chuối (Hoài Đức) và Thành Dền (Mê Linh), nhưng hiện tại, chỉ có di tích Thành Dền còn được giữ gìn, khu vực Đình Tràng hiện đang gặp nhiều vướng mắc, còn khu vực Vườn Chuối thì bị hư hại quá nhiều. Thậm chí, đã có một dự án xây dựng khu đô thị mới tại khu vực Vườn Chuối, nhưng do suy thoái kinh tế nên dự án này chưa được triển khai, nhờ đó các nhà khoa học mới có cơ hội tiếp tục nghiên cứu di tích này...

Trên cơ sở nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, văn hóa Đông Sơn chính là cơ sở vật chất của nhà nước đầu tiên trong lịch sử - nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, và là nền tảng hình thành truyền thống văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng rất trăn trở, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một bảo tàng riêng cho văn hóa Đông Sơn (trong khi đã có một bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh). Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, chúng ta hoàn toàn có thể mở một bảo tàng riêng về văn hóa Đông Sơn để nghiên cứu, phát huy và bảo tồn di tích văn hóa Đông Sơn cho con cháu muôn đời. “Nên chăng, các nhà chuyên môn cần có những việc làm thiết thực nhất, đó là đề xuất với các cấp, các ngành có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương, xúc tiến ngay việc lập đề án xây dựng Bảo tàng “Văn hóa Đông Sơn” - mà 10 năm trước trong hội thảo 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, chúng tôi đã đề xuất”, PGS.TS Bùi Văn Liêm nói.

Phương Hà

Phát hiện di tích khảo cổ ở Cao nguyên đá Đồng Văn
Phát hiện di tích khảo cổ ở Cao nguyên đá Đồng Văn

Đoàn Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành điều tra khảo sát 14 di tích (trong đó có 13 di tích thềm sông cổ và 1 di tích hang động) cùng với hàng trăm di vật khảo cổ được phát hiện. Đây là những công cụ lao động được chế tác từ đá cuội sông, suối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN