Chặn đứng nạn chảy máu cổ vật - Kỳ cuối

Để ngăn chặn tình trạng chảy máu cổ vật, theo các chuyên gia, một quốc gia vào cuộc chưa đủ, mà cần có sự chung tay của quốc tế, bởi lẽ hành trình buôn bán cổ vật luôn có điểm đến là các quốc gia khác trên thế giới.

Không chỉ diễn ra ở Việt Nam, những năm qua, tình trạng thất thoát, buôn bán xuất nhập khẩu trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; đã trở thành vấn đề quốc tế, được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Một loạt các công ước quốc tế đã ra đời, nhằm bảo vệ các quốc gia khỏi vấn nạn này như Công ước 1970 của UNESCO về các biện pháp ngăn chặn xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa và Công ước 1995 UNIDROIT về các tài sản văn hóa bị đánh cắp và xuất khẩu trái phép. Các công ước này là công cụ pháp lý hiệu quả để các quốc tế trên thế giới hợp tác bảo vệ các di sản văn hóa có thể di chuyển; nâng cao nhận thức về các quy trình thu hồi, hoàn trả; xây dựng mạng lưới các bên liên quan trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa ở cấp quốc gia và tiểu khu vực; củng cố các chương trình quảng bá và giáo dục hiện có trong khu vực...

Kim bội đời Thành Thái, bằng bạc mạ vàng, đang được rao bán ở Mỹ với giá 2.000 USD.

Tuy nhiên, tại các quốc gia châu Á, mà cụ thể là các quốc gia Đông Nam Á - khu vực được coi là điểm nóng của nạn buôn bán trái phép cổ vật, thì rất nhiều quốc gia vẫn chưa phê chuẩn công ước này. Theo ông Edouard Planche, Thư ký Công ước 1970 của UNESCO; mới chỉ có Campuchia, Myanmar và Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 1970. Còn với Công ước UNIDROIT 1995 ở khu vực Đông Nam Á chỉ có Campuchia là quốc gia thành viên.

Ông Edouard Planche nhấn mạnh: Đông Nam Á vẫn đang là một trong những trung tâm lớn về buôn bán trái phép cổ vật, đồng thời là nguồn cung cấp và điểm trung chuyển các tài sản văn hóa này. Việt Nam cũng không tránh khỏi thực trạng của nạn “chảy máu” cổ vật, do hiện tượng đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học, lấy cắp cổ vật trong di tích đền, chùa, miếu và do chiến tranh. “Trong bối cảnh đó, cần tìm ra những biện pháp tốt nhất để vạch ra được chiến lược, các biện pháp, các cơ chế địa phương bảo vệ di tích, di sản khỏi bị cướp bóc cũng như đề ra được chiến lược bồi thường... Quan trọng hơn cả là xây dựng được sự hợp tác xuyên biên giới để cùng nhau ngăn chặn dòng chảy buôn bán trái phép những di sản văn hóa độc đáo của các quốc gia”, ông Edouard Planche nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, một chuyên gia văn hóa của Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển kinh tế - xã hội cùng với sự mở rộng nhanh chóng thị trường nghệ thuật, nhất là thông qua internet, đã đưa đến nhu cầu ngày càng cao đối với các tài sản văn hóa, dẫn tới sự gia tăng nguy cơ buôn bán trái phép các tạo vật văn hóa có nguồn gốc từ các quốc gia chưa có các biện pháp kiểm soát cần thiết; thì việc nhanh chóng phê chuẩn các Công ước này là vô cùng cần thiết”.

Theo chuyên gia này, khi tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao quyền sở hữu tài sản văn hóa, các nước đã công nhận việc xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn di sản văn hóa ở những nước xuất xứ di sản này và hợp tác quốc tế là một trong những phương thức hiệu quả nhất nhằm bảo vệ tài sản văn hóa của mỗi nước tránh khỏi những nguy cơ đó. Chính vì vậy, đây sẽ là biện pháp hữu hiệu để nâng cao trách nhiệm cũng như thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các quốc gia trong việc chung tay “chặn đứng” tình trạng buôn bán cổ vật trái phép lâu nay.

Trước thực tế đó, một chuỗi các cuộc hội thảo đã được tổ chức tại các nước châu Á, nhằm đẩy mạnh việc ủng hộ việc phê chuẩn Công ước năm 1970 của UNESCO và Công ước UNIDROIT 1995; cũng như tuyên truyền về việc làm thế nào để thực hiện hiệu quả những văn kiện này.

Tại Việt Nam, giữa tháng 12 vừa qua, chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa: ngăn chặn, hợp tác và thu hồi/hoàn trả” cũng đã được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, có sự tham gia của cán bộ văn hóa, hải quan, công an và bảo tàng từ Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam. Tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định những gì đất nước họ đã triển khai trong các năm qua, cũng như những cố gắng, những thành tựu, tồn tại và nảy sinh trong thực tiễn của quá trình thực thi nhiệm vụ khó khăn này.

Là một đại diện của Việt Nam tại cuộc tập huấn, TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định: "Việc Việt Nam tham gia công ước 1970 có ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức, hiệu quả hoạt động gìn giữ, bảo vệ các di sản văn hóa của các cơ quan quản lý, phát huy di sản trong đó có Bảo tàng LSQG".

Còn ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam nhấn mạnh: “Để đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng của nguy cơ buôn bán trái phép tài sản văn hóa ở các quốc gia, chúng ta cần tập trung vào các hoạt động: Hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng công cụ pháp lý hiệu quả; củng cố các cơ quan địa phương trong việc bảo vệ, chống trộm cắp tại các khu di sản văn hóa; xây dựng năng lực kiểm kê và sử dụng các công cụ nghiệp vụ; tăng cường nhận thức về các quy trình thu hồi, hoàn trả; xây dựng mạng lưới bảo vệ di sản văn hóa cấp quốc gia và khu vực; đồng thời nâng cao hiệu quả các chương trình quảng bá và giáo dục về cuộc đấu tranh này trong khu vực…”.

Hy vọng, với những nỗ lực này, cũng như những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức; các quốc gia châu Á sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn, nhằm tự bảo vệ chính bản thân mình cũng như các quốc gia khác trong cuộc chiến “cổ vật”.

Anh Minh
Chặn đứng nạn chảy máu cổ vật - Kỳ 1
Chặn đứng nạn chảy máu cổ vật - Kỳ 1

Có một thị trường cổ vật Việt Nam khá phong phú và đa dạng trên thế giới. Điều đó đáng mừng nhưng cũng lại đáng lo đối với những người quản lý văn hóa và những người yêu cổ vật của Việt Nam, vì đây là bằng chứng cho sự thất thoát cổ vật do nạn buôn bán trái phép. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý tốt kho tàng cổ vật Việt Nam, không để xảy ra tình trạng “chảy máu cổ vật” đang được ngành văn hóa đặt ra một cách nghiêm túc và bức thiết?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN