Cẩn trọng với những biến tướng trong nghi lễ hầu đồng

Gần một năm sau khi UNESCO công nhận, bên cạnh những nỗ lực quảng bá, tôn vinh nét đẹp trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, vẫn còn có những biểu hiện lệch lạc, biến tướng trong thực hành nghi lễ, làm ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng và xã hội.

Biến tướng và lệch lạc

Tháng 12/2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Bên cạnh những niềm vui vì di sản được công nhận, là những nỗi lo của nhiều người, trong đó có thanh đồng chân chính, bởi lẽ, trong khi mọi người đang nỗ lực để tôn vinh di sản, thì vẫn còn một bộ phận những thanh đồng trong quá trình thực hành tín ngưỡng đã có những hành vi, dẫn đến những biến thái, thảm họa nguy hiểm gây nên biết bao ảnh hưởng tiêu cực, làm xấu đi nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu, làm ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng và xã hội.  

Thanh đồng Tạ Thị Nhiễu (sinh năm 1935), thủ nhang đền Rừng, diễn xướng hầu đồng tại liên hoan.

Thanh đồng Lưu Ngọc Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa thờ Mẫu và hát Văn Hà Nội đánh giá, vẫn còn có nhiều biến tướng gây nên tác hại nghiêm trọng, làm mất đi sự trang nghiêm tôn kính, mất đi nét đẹp trong văn hóa tâm linh trong việc thực hành nghi lễ. Trang phục hầu đồng của nhiều người rất “kỳ quái, dị hợm”, có người mặc áo có vạt sau dài đến 3 - 4 m, tay áo thụng tới hàng mét, giống như y phục của các đạo sĩ. 

Có người thì đội những búi tóc độn tóc giả cao chót vót xoắn hình trôn ốc, hay những chiếc mũ cánh chuồn không ra văn quan, cũng chẳng ra võ tướng, thậm chí, có trường hợp mặc cả áo rằn ri, đi giầy tây, đội mũ tai bèo, đội mũ bảo hiểm...  

Lễ vật tiến cúng trước đây chỉ là hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, nhưng nay có cả quạt điện, nồi cơm điện, phích nước, chăn bông làm đồ phát lộc, thật là dung túng, mất hết nét đẹp tâm linh cao quý của vật phẩm lục cúng. Có thanh đồng còn tự bày ra hầu những giá đồng mà từ xưa không có cụ đồng nào hầu như hầu Thánh Mẫu, hầu Ngọc Hoàng, hầu Chầu Quế Chầu Quỳnh, hầu Đức Chúa công... khiến cung văn không biết bài nào để hát.

Vũ đạo trong hầu đồng mang nặng tính biểu diễn, có thanh đồng còn lôi kéo cả người dự hầu nhảy điên loạn như trên vũ trường, làm mất hết sự trang nghiêm tôn kính... rồi tranh cướp lộc hỗn loạn tạo ra những hình ảnh phản cảm. Một số thanh đồng muốn phô trương sự giàu sang, mà mỗi vấn hầu lên đến hàng tỷ, vàng mã đốt quá nhiều, vô cùng lãng phí.

Nhiều thanh đồng có lời truyền phán mang nặng tính trách phạt, dọa nạt trần tục, mang nội dung trục lợi gây tâm lý lo sợ, hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của mọi người, gây mất đoàn kết trong gia đình, xã hội.

Thanh đồng Nguyễn Thị Thìn (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, thật buồn khi chứng kiến nhiều ông đồng, bà đồng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cũng như những quan niệm lệch lạc của con nhang đệ tử, yêu cầu con nhang, đệ tử bỏ ra một khoản tiền lớn chi cho việc tổ chức hầu đồng, khiến họ tán gia bại sản... 

“Chính những biểu hiện lệch lạc này khiến chính quyền, cán bộ ở nhiều địa phương có thành kiến và hiểu sai về giá trị di sản, đánh giá sai về những người thực hành chân chính, làm sai lệch giá trị di sản, khiến không ít người băn khoăn lo ngại”, thanh đồng Nguyễn Thị Thìn khẳng định. 

Nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thừa nhận, thời gian qua, phong trào “hầu đồng” quá nóng, trong khi hiểu biết chung của một số thanh đồng về tín ngưỡng thờ Mẫu còn rất mù mờ, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong việc thực hành tín ngưỡng, nảy sinh biến tướng, mạnh ai nấy làm. Nhiều nơi tổ chức hầu đồng ở mọi nơi, ở cả đình, chùa, thậm chí có nơi cả các sư tham gia hầu đồng. 

Trước đây, việc mở giá hầu tùy tâm, tùy điều kiện, có người khó khăn còn được giúp đỡ, không mất đồng nào, trong khi đó, hiện nay, nhiều thanh đồng lợi dụng việc truyền phán, dọa nạt để con nhang đệ tử sắm lễ vật to dâng cúng, rải thật nhiều tiền để được lộc, dẫn đến có người phải vay nặng lãi, phải cầm nhà, bán xe... “Ngay cả âm nhạc trong hầu đồng cũng có những biến tướng, nhiều cung văn còn đưa cả âm nhạc múa sạp Tây Bắc, ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Em đi chùa Hương”, thậm chí cả “Tiến quân ca”, rồi “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vào trong giá đồng... tạo nên sự hỗn tạp và làm biến dạng nét văn hóa trong thực hành tín ngưỡng”, nhà nghiên cứu Phạm Tứ bức xúc. 

Chấn chỉnh  thực hành nghi lễ 

Theo nhà nghiên cứu Phạm Tứ, việc chấn chỉnh các nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ngăn chặn những biến tướng trong quá trình thực hành di sản lúc này là vô cùng cần thiết, rất cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa, những thanh đồng, thủ nhang... là những người trực tiếp thực hành di sản, từng bước đưa ra một bộ quy tắc chuẩn mực trong việc thực hành nghi lễ để mọi người cùng thực hiện. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đánh giá thường xuyên các mặt tích cực và tiêu cực để nắm được những thay đổi của thực hành tín ngưỡng, và có những biện pháp kịp thời điều chỉnh. 

Thanh đồng Lưu Ngọc Đức cũng cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cần nhận diện quá trình thực hành tín ngưỡng một cách cụ thể, toàn diện và sâu sắc hơn nữa, nâng cao hiểu biết chuyên môn, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật... để định hướng và đưa ra một quy chuẩn mẫu mực trong thực hành tín ngưỡng, xây dựng thành văn bản có sự chọn lọc, để dẫn dắt mọi người hiểu và thực hành theo đúng nghi lễ cổ truyền, để trong thực hành nghi lễ, nhất là nghi lễ hầu đồng được đúng đắn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. 

Theo ông Lưu Ngọc Đức, để làm được điều này, đòi hỏi sự kiên trì, tế nhị của các ngành, các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu khoa học, cùng các ông đồng, bà đồng, thủ nhang... Bên cạnh đó thanh đồng Lưu Ngọc Đức cũng đề nghị, các cấp có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kiên quyết đối với những trường hợp lợi dụng mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân, làm mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng này.
Lan Lộc/Báo Tin tức
20 năm mang giá vẽ đi... 'hầu đồng'
20 năm mang giá vẽ đi... 'hầu đồng'

“Đã có những lúc nản lòng vì tranh vẽ xong chỉ vứt đấy, không bán được, không được tham gia triển lãm, hay trưng bày, đã có một thời gian tôi ngừng vẽ…”, họa sĩ Trần Tuấn Long tâm sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN