Thời gian gần đây, những ai quan tâm đến văn hóa nghệ thuật nước nhà có lẽ đều
biết đến vấn đề dư luận đang liên tiếng là ăn mặc hở hang và hớ hênh trên sàn
diễn.
Một ca sĩ rất nổi tiếng từng bức xúc đặt câu hỏi rằng, vì sao, chuyện nhỏ cỏn
con thế này lại được đẩy lên đỉnh điểm và tốn biết bao giấy mực, công sức của
nhiều người?
Cần có chế tài nghiêm khắc hơn với những hành vi phản cảm trên sàn diễn. Ảnh: Internet. |
Quả thật, điều đấy không sai và ai cũng phải thừa nhận. Thứ trưởng Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Hồ Tuấn Anh ví rằng, biểu diễn nghệ thuật gần đây “nóng”
như vàng một thời. Bản thân vàng cũng có gì đáng quan tâm, vậy nhưng do dư luận
thổi lên thành “sốt”, cơ quan truyền thông đề cập quá nhiều, khiến không chỉ
người kinh doanh đầu tư mà thậm chí người dân mua vàng cũng nhốn nháo đi mua –
bán vàng.
Cuối cùng, tâm lý đám đông mua đi bán lại, thiệt hại lớn vẫn là người
dân.
Vấn đề nghệ thuật biểu diễn cũng vậy, chúng ta không nhắc nhiều đến cái đẹp,
cái thầm kín sâu sắc ẩn chứa trong từng ca sĩ, diễn viên, vở diễn. Nhưng khi
chỉ có một vài ca sĩ “vô danh tiểu tốt” phơi bày cái không đáng phơi bày, bắt
công chúng và người hâm mộ phải đón nhận, chúng ta lại khoét sâu, tung hô và đề
cập nhiều khía cạnh một cách quá sâu và chi tiết khiến công chúng tò mò. Vô hình
trung cũng tạo ra cơn sốt và rồi chính khán giả và người trong cuộc - những
nghệ sĩ, diễn viên chân chính bị chịu trận.
NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Trung ương cho rằng, hiện nay
cả nước có khoảng 130 đơn vị tổ chức biểu diễn với khoảng 10 ngàn diễn viên, ca
sĩ. Vậy nhưng số ca sĩ biểu diễn nhố nhăng, ăn mặc hớ hênh chỉ đếm đầu ngón tay
với số lượng 10 người trở xuống. Vậy mà, chúng ta đã nói đến mức như là cả nền
biểu diễn nước nhà đều như thế. Như vậy, là chưa phản ánh đúng cục diện và chưa
công bằng cho những ca sĩ, diễn viên chân chính. “Tôi không có gì để “hở” vậy
mà khi đọc và bị phê phán quá nhiều cũng thấy đỏ mặt, huống chi là những diễn
viên, ca sĩ nữ” – NSND Trần Bình bộc bạch.
Quan điểm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cũng như những nghệ sĩ mà chúng
tôi phỏng vấn đều đồng ý kiến rằng, những hành động phản cảm, thiếu văn hóa cần
được kịch liệt phê phán; đồng thời cần có những hình phạt nặng để răng đe.
Nhưng việc phê phán như thế nào cho hợp lý cũng cần cân nhắc. Vì nói quá nhiều
trở thành đánh bóng, lăng xê để giúp cho ca sĩ đấy càng nổi tiếng. Mà lại càng
không đáng nói khi chính họ là ca sĩ thiếu chuyên nghiệp.
Nhiều trường hợp chỉ
lên sàn diễn hát ít bài, nhưng chỉ cần một nhà báo cho họ thành ca sĩ, nghệ sĩ
bổng chốc thành nổi tiếng trong giây lát, nhưng có biết rằng được gọi là nghệ sĩ
phải biết báo nhiêu công sức tu dưỡng, tập luyện và công hiến.
Vì vậy, tới đây Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ hợp tác và đề nghị với Bộ
Thông tin Truyền thông và các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương
để tuyên truyền về vấn đề này một cách hợp lý. Đặc biệt, các đài truyền hình
không phát sóng, đưa lên chương trình, khách mời những ca sĩ đã vi phạm và bị
công chúng lên án nhiều về những hành vi phản cảm. Đồng thời, bên cạnh hình
phạt nặng về tiền, cần đình chỉ thời gian hoạt động biểu diễn dài ra.
Các ca sĩ ngoài ý thức, trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp thì trước hết cần tôn
trọng chính khán giả, người hâm mộ vì chính họ là chủ thể chắp cánh, nâng bước
cho ca sĩ trưởng thành, bay cao. Không tôn trọng khán giả đồng nghĩa với không
tôn trọng chính mình và ắt hẳn sẽ bị tẩy chay. Với những ca sĩ có lương tâm,
khi chỉ bị nhắc nhở đã chạm vào lòng tự trọng, tự ái bản thân, chứ không cần
phạt tiền.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có cách siết chặt và thẩm định kỹ
tư cách của các ca sĩ hành nghệ tự do, không thông qua quản lý của các đơn vị
tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Về phía đơn vị nghệ thuật cần kiểm soát và duyệt
trang phục của ca sĩ trước khi biểu diễn một khoảng thời gian nhất định.
Việc cấp phép cho các bầu sô cũng cần được cải tiến. Vì hiện nay có những ông
bầu rất kém cả bằng cấp lẫn trình độ chuyên môn, trong đó có nhiều người chưa
học hết chương trình phổ thông, lại không được đào tạo về nghệ thuật. Vì vậy,
việc cấp phép dễ dãi cho họ rồi dẫn tới vi phạm là không tránh khỏi.
Nhà thiết kế Thuý Hằng cho rằng, tới đây nếu Nghị định về nghệ thuật biểu diễn
ra đời cần đề cập đến vấn đề thiết kế trang phục biểu diễn. Nhà thiết kế cũng
phải được cấp phép và khi xin cấp phép biểu diễn cũng cần trình cơ quan chức
năng mẫu thiết kế cho ca sĩ mặc biểu diễn. Đặc biệt, có những chương trình cần
hạn chế lượng khán giả, đối tượng xem, hạn chế truyền thông. Ví dụ, như chương
trình trình diễn áo tắm, ngay cả các chương trình thi hoa hậu cũng có phần này,
mà trình diễn áo tắm thì không thể quá kín đáo.
Có như vậy thì từng bước mới ngăn chặn được tình trạng vi phạm ngày càng gia
tăng.
Nguyễn Văn Cảnh