Cần loại bỏ những ca khúc gây sốc

Trong dòng nhạc thị trường hiện nay, có vô vàn ca khúc mà khi ca lên khiến người nghe thất kinh bởi sự phản cảm và vô văn hóa. Điều ngạc nhiên là nó vẫn được những ca sĩ “mì ăn liền” nghêu ngao trên nhiều sân khấu ca nhạc hằng đêm và đang vượt qua tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Phi văn hóa


Trong số những ca khúc thô thiển và nhảm nhí ấy trước hết phải kể đến bài “Tình yêu gian dối”. Đây được coi là bài có ca từ tối nghĩa “sốc nhất” hiện nay chuyên giành cho những thanh niên hư hỏng, với một đoạn đọc rap lời lẽ “chửi rủa” thật “khủng khiếp”: “... cuộc đời súng đạn nên trái tim cũng phải sắt đá ... Người ta nói em đê tiện thì anh cũng không bỏ, máu đổ nhưng yêu vì em mà đau khổ, không sợ xấu hổ, thế mà bây giờ em lại tráo trở, chó đẻ, lòng của con điếm ôi sao thật khó vẽ. Cuộc đời không như mơ con đàn bà hai mặt bỏ mình bơ vơ....”.

Ca sĩ ăn mặc phản cảm, hát ca khúc gây sốc.


Trong bài “Lấy tiền cho gái” thì phần điệp khúc được phổ nhạc từ lời một bài ca dao “thời nay” nghe vừa buồn cười, vừa vô văn hóa: “Bắt thang lên hỏi ông trời, lấy tiền cho gái có đòi được không. Ông trời ổng trả lời rằng tao còn bị gạt huống chi là mày”. Chưa hết, phần sau của bài hát được “miêu tả” bằng chất ráp việc “tán gái” của một anh chàng bằng những câu chữ hết sức thô thiển“... Tôi chở em ra tiệm phở, em ăn phở đặc biệt, tôi ăn tô bún riêu. Tôi bỏ thêm chút mắm, em bỏ thêm chút tiêu .... Em ăn được mấy miếng rồi em chê dở, em kêu một tô khác làm tôi đổ nợ ...”; “.... Vào một buổi chiều tối rủ em coi phim ma, tạo một cơ hội để tôi dê em mà .... Nhưng không ngờ em cho tôi sặc máu, rủ thêm hai đứa bạn mà em chưa báo cáo, hai con nhỏ xấu hoắc rồi nói đòi đi ăn cháo. Trời ơi ! Em chơi tôi vậy sao ? Chạy tới nhà bank tôi bơm thêm chút máu ... đi coi phim kinh dị mà tụi nó cứ nói, thiệt là khốn nạn, tôi chẳng dê được gì ... tuy rằng như vậy tôi vẫn không có chấp, chở em tới chỗ tối lợi dụng được hôn em...”.


Sốc và vô bổ


Ngoài việc hát như nói những ca từ “bặm trợn” không giống ai, người nghe hát như nghe ca sĩ chửi mắng trên sân khấu. Nam ca sĩ T. H ăn mặc quần áo toàn kim tuyến, tóc tai bù xù, sau một vòng ưỡn ẹo tự nhiên “đốp chát”: “Và anh sẽ không bao giờ, không bao giờ anh bỏ em. Và anh sẽ không bao giờ, không bao giờ anh bó tay” (trong bài hát “Không bao giờ anh bó tay”). Với chủ đề “Chuyện đàn ông đàn bà”, nhiều nhạc sĩ “bất đắc dĩ” qua một đêm cho “ra lò” 2 bài hát với những ca từ kinh dị, khi nghe chẳng khác gì cuộc cãi vã nhau: “Tôi giờ đây như gã si tình đáng thương ... đàn bà là thế, ai cũng giống ai ... Đàn bà là thế, là nỗi đau của tôi ... Làm sao hiểu hết trái tim đàn bà” (bài Đàn bà là thế). Rồi một đoạn lời bài hát cực kỳ vô duyên khác trong bài “Tại em mà anh làm đàn ông xấu” có đoạn “Người ta nói đàn ông tốt con gái sẽ không yêu, bởi vì thật thà dễ cho em nhàm chán. Kể từ đây không vậy đâu. Kể từ đây tôi sẽ sống như bao đàn ông xấu. Tại em mà tôi trở thành đàn ông xấu...”.


Loạn xạ tây-ta


Nhiều bài hát nhạc trẻ ngày nay có những ca từ tây ta lẫn lộn. Tức là phần lời của bài hát được tác giả trộn hổ lốn tiếng Anh - tiếng Việt.


Trong bài “Mất em” có đoạn: “Nếu khi xưa anh không là bạn thân để nói yêu em. Thì hôm nay I don’t cry for you. Thì hôm nay I don’t miss for you. Baby I love you I’m watting for you”. Thay vì những ca từ trong sáng chân thành giản dị, dễ hiểu dễ nhớ, thì nhạc sĩ “đổ” ngoại ngữ vào cái “lẩu thập cẩm”, khiến người nghe càng nghe càng tức: “M si la bum. Ba la bum. Ma là goa. Cá la mà lê. Ế ê ê bum. Ba là ê. A cá a mà lề. Không gian như đang quay cuồng. Cùng múa theo điệu Mambo. Từng dòng nhạc hòa điệu trong tim người. Đôi chân ta theo tiếng nhạc. Cùng múa theo điệu Mambo ... m si la bum bum ma dế. Ca la ma bum bum. Ba lê ế ê ề bum bum. Ba dê má lê mà bum bum” trong bài “Um si la bum” v.v....


Không chỉ kém chất lượng ở nội dung mà ngay cả cách đặt tựa ca khúc cũng đã thể hiện một sự bế tắc trong cách diễn đạt ý tưởng của nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay. Trong khi nhan đề chính là “cái nhãn hiệu”, đòi hỏi sự ngắn gọn, bóng bẩy và phải “gói” được nội dung tư tưởng của bài hát thì bây giờ, tên của một ca khúc đơn giản chỉ là một câu nói bình thường, nghe nực cười chẳng có chút gì hoa mỹ : “Sao lại nhắn nhầm máy anh?”; “Anh chỉ dám nhá máy cho em thôi”, “Cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông”, “Anh chỉ là trò đùa của em”, “OK, mình chia tay”, “Ok, anh sẽ dừng cuộc chơi”, “Hên xui”....


Có thể nói bên cạnh những ca khúc sống mãi với thời gian, thì dòng nhạc thị trường đang len lỏi khá nhiều những ca khúc nhảm nhí vô bổ, đang bào mòn cảm xúc của một bộ phận thanh niên. Những ca khúc ấy không chỉ không có tác dụng giáo dục tư tưởng và định hướng thẩm mỹ, mà còn có tác hại xấu cho thanh niên, làm lu mờ những giá trị văn hóa vốn lấy giáo dục làm trọng, lấy đạo đức, thanh liêm và nhân ái làm nền tảng. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải xem lại công tác quản lý văn hóa, đồng thời có “chế tài mạnh” với những loại ca khúc vô bổ đang trôi nổi trên thị trường hiện nay.


Mai Thắng

Ca khúc đang mai một tính nhân văn

Có thể nói, những ca khúc của một số nhạc sĩ sáng tác theo kiểu “mì ăn liền” để bán bản quyền cho ca sĩ hát phục vụ một số ít giới trẻ hiện nay, là những ca khúc gây sốc, không chỉ thiếu tính định hướng, đạo đức, thẩm mỹ, làm dần mất đi tính nhân văn, đi ngược lại thuần phong mỹ tục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN