Bảo vệ, phát huy giá trị làng tranh Đông Hồ - Bài 2: Thăng trầm làng nghề

Cũng như nhiều nghề thủ công truyền thống khác, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, có nhiều thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ, tranh dân gian Đông Hồ đứng trước nhiều khó khăn thách thức.

Chú thích ảnh
Chủ đề của tranh Đông Hồ được phân thành 5 loại: Tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và tranh bộ theo tích truyện. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Thăng trầm cùng lịch sử  

Những người già trong làng Đông Hồ kể, từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1944 là thời kì hưng thịnh nhất của làng tranh. Trước đây, hàng năm, từ tháng Ba đến tháng Bảy cả làng làm hàng mã, sang tháng Tám đến tháng Chạp, cả làng lại tất bật mùa tranh Tết. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì cả 17 dòng họ đều làm tranh, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, nhộn nhịp nhất là các phiên chợ tranh vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26 tháng Chạp.

Trong mỗi phiên chợ, lái buôn đến lấy hàng nghìn, hàng vạn bức tranh các loại, hoặc cũng có các gia đình mua lẻ về làm tranh treo Tết để cầu mong phú quý, vinh hoa và trang hoàng nhà cửa. Phiên chợ tranh Đông Hồ tấp nập một phần còn do có sự đổi chác giữa dân làng này với các phường buôn bán của những làng khác từ xa tới.

Các lái buôn thường mang điệp, thuốc lào, nước mắm, cá khô…, đến đổi lấy tranh hoặc buôn tranh đem về địa phương mình bán. Sau phiên chợ tranh cuối cùng vào ngày 26 tháng 12 Âm lịch, những tranh còn lại được các gia đình bọc kín đem cất chờ đến mùa tranh năm sau mang ra chợ bán. Vào ngày hội làng Hồ (rằm tháng Ba Âm lịch), người dân trong làng còn tổ chức nhiều nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ…

Từ sau năm 1945, đặc biệt là trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, cùng với nhân dân cả nước, Đông Hồ cũng rơi vào cảnh đạn bom, làng tranh bị giặc đốt phá tan hoang, các bản khắc tranh cũng bị thiêu cháy rụi. Người dân trong làng lo chạy loạn khắp nơi, không còn mấy người làm tranh, cũng không còn người mua tranh nữa. Nghề làm tranh từ đó cũng bị gián đoạn. Hoà bình lập lại (1954), làng tranh dần nhem nhóm nhưng chưa thể khôi phục như trước.

Năm 1967, nhận thấy dân làng có nguy cơ bỏ nghề làm tranh, chính quyền địa phương đã giao trọng trách cho nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đứng ra tập hợp 50 nghệ nhân có tâm huyết, tay nghề cao trong làng thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Đây là thời kỳ tranh Đông Hồ hồi sinh, phát triển sôi động trở lại.

Từ năm 1970 đến năm 1985, hàng loạt sản phẩm tranh Đông Hồ đã được xuất khẩu sang một số nước xã hội chủ nghĩa. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, do tác động của nền kinh tế thị trường và việc thay đổi cơ chế chính trị ở các nước Đông Âu, việc xuất khẩu tranh Đông Hồ gặp nhiều khó khăn, Hợp tác xã sản xuất tranh bị giải tán vì in tranh nhưng không có đầu ra.

Giai đoạn đất nước đổi mới bước vào nền kinh tế thị trường, thú chơi tranh dân gian Đông Hồ ngày Tết đã bị quên lãng, dẫn đến nghề tranh dần mai một vì tranh làm ra nhưng không bán được. Hơn 90% hộ gia đình từ bỏ ván khắc, chuyển sang hoạt động nghề khác có thu nhập cao hơn như làm đồ vàng mã hoặc sản xuất, buôn bán hàng hóa khác.

Tâm huyết giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa kể: "Những năm 90, khi thấy nghề tranh có nguy cơ mai một, bố tôi - nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, từng là Tổ trưởng Tổ sản xuất tranh Đông Hồ rất buồn, ông luôn động viên anh em chúng tôi phải cố gắng giữ nghề. Gia đình tôi lần hồi thu gom được hơn 600 bản khắc tranh cổ quý giá từ các gia đình làm tranh của làng Đông Hồ, hy vọng có ngày làng nghề lại hồi sinh. Hàng ngày, bố tôi vừa tận tụy truyền nghề cho con cháu trong gia đình, vừa tiếp tục kiên trì sáng tạo và kế thừa di sản của ông cha, in các mẫu tranh theo đề tài dân gian truyền thống và sáng tác thêm nhiều mẫu tranh mới phù hợp với như cầu thưởng thức nghệ thuật thị trường".

Năm 2016, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam qua đời, nhưng với sự dạy dỗ của ông, các con cháu nội, ngoại trong gia đình đã trở thành các nghệ nhân trẻ, nắm vững mọi bí quyết của từng công đoạn tạo ra tranh Đông Hồ.

Chú thích ảnh
Chị Lý Thị Thương là con dâu của nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, đến nay chị đã có 8 năm làm tranh cùng gia đình. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa, con trai cả của ông cùng vợ là nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh đã tiếp tục kế thừa sự nghiệp của cha, gìn giữ nối nghề, tạo lập được cơ ngơi làm tranh vững chắc. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả con trai thứ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam sớm được bố dìu dắt, trở thành chủ nhân một cơ sở sản xuất tranh nổi tiếng trong làng, hàng ngày thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến thưởng ngoạn, mua tranh.

Trăn trở với nỗi lo mai một nghề làm tranh truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cũng giành nhiều tâm sức để gìn giữ, bảo tồn nghề làm tranh Đông Hồ. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tâm sự, ông sinh ra, lớn lên cùng nghề làm tranh, lại may mắn được đào tạo trong môi trường nghệ thuật, nên khi thấy nghề truyền thống của cha ông có nguy cơ mai một, ông tiếc lắm.

Chính vì vậy, khi về nghỉ hưu năm 1991, ông đã bàn với gia đình thôi không làm vàng mã, quay lại làm tranh. Vậy là, trên cơ sở những bản khắc gỗ của cha ông để lại, vận động mua lại những bản khắc gỗ của các gia đình khác trong làng không dùng đến nữa, bản thân ông cũng tự tay khắc thêm nhiều bản khắc gỗ khác và in tranh bán.

Chú thích ảnh
Gian trưng bày sản phẩm tranh Đông Hồ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Năm 2006, với tâm huyết cho sự tồn tại của một di sản văn hóa dân tộc, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, cùng con cháu mạnh dạn đầu tư xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ trên diện tích 5.000m2 ngay đầu làng Đông Hồ. Trung tâm có các khu nhà sản xuất giấy, khu in tranh, giã điệp và khu nhà trưng bày bán cho du khách.

Dưới sự quản lý và điều hành của nghệ nhân Nguyên Đăng Tâm (con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế), Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ đã trở thành nơi lưu trữ, trưng bày hàng nghìn bản khắc, khuôn tranh, trong đó có nhiều bản khắc gỗ quý hiếm từ cách đây gần 200 năm.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm chia sẻ, thời kỳ đầu, gia đình vừa làm tranh, vừa làm vàng mã, rồi lấy tiền bán vàng mã để "nuôi" tranh. Cứ thế, "lấy ngắn nuôi dài", gia đình từng bước khôi phục lại nghề tranh mà cha ông để lại. Vừa làm tranh, vừa bôn ba khắp nơi tìm nơi tiêu thụ tranh.

Từ năm 1995, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm đã đem tranh ra Hà Nội bán cho khách du lịch nước ngoài, rồi mạnh dạn thuê, mở cửa hàng tranh Đông Hồ tại 16 phố Chân Cầm (Hà Nội), sau đó nhờ bạn bè trong ngành mỹ thuật giới thiệu, quảng bá tranh trong và ngoài nước… Nhờ có sự quảng bá này, mọi người biết đến tranh Đông Hồ nhiều hơn, khách hàng tìm đến mua tranh ngày một đông, nhất là các du khách nước ngoài.  

Bên cạnh những bức tranh truyền thống, các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ cũng rất năng động sáng tạo, cải tiến về mẫu mã sản phẩm để thích ứng với nhu cầu của thị trường ngày nay nhưng vẫn giữ được hồn cốt của tranh dân gian Đông Hồ.

Trước đây khổ tranh Đông Hồ truyền thống chỉ là cỡ nhỏ nhưng giờ đây, các sản phẩm tranh đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Từ tranh dân gian truyền thống, các nghệ nhân còn sáng tạo thành những bộ lịch Tết, tem thư, sách bé tập tô, tranh bưu thiếp dùng cho bạn bè trong nước và quốc tế…  

Nhờ những nỗ lực của các nghệ nhân tâm huyết với nghề, dù trải qua rất nhiều thăng trầm, dù rất khó khăn, nhưng đến nay, nghề làm tranh Đông Hồ vẫn đang được gìn giữ, bảo tồn, không bị mai một.

Bài cuối: Gìn giữ, tôn vinh, phát triển làng nghề

Phương Lan (TTXVN)
Bảo tồn, phát huy giá trị làng tranh Đông Hồ - Bài 1: Dòng tranh dân gian tiêu biểu
Bảo tồn, phát huy giá trị làng tranh Đông Hồ - Bài 1: Dòng tranh dân gian tiêu biểu

Tranh Đông Hồ là ­một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu, với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo, mang lại những dấu ấn đậm nét, tạo nên bản sắc riêng cho văn hóa Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN