Trước sự phát triển của hội nhập quốc tế và nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Mường Tè đã chọn xã Ka Lăng làm điểm thành lập Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo của dân tộc thiểu số.
Trong nền văn hóa chung, người Hà Nhì đã sáng tác ra các điệu múa nhằm phục vụ tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tâm linh, mang tính tập thể. Theo đó, nghệ thuật biểu diễn rất đa dạng với điệu múa như múa trống, múa lên nương, múa dệt vải, múa nón, múa giã bạn, múa xòe…, phản ánh các mặt trong đời sống sinh hoạt phong phú của đồng bào.
Các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Hà Nhì ở xã Ka Lăng đều rất sôi động. Múa nón là một trong những nét văn hóa được các thành viên Câu lạc bộ lựa chọn để tập luyện. Đạo cụ chính là chiếc nón giang cùng những nhịp chân kết hợp với chuyển động của đôi tay nhẹ nhàng, uyển chuyển của người phụ nữ Hà Nhì theo điệu nhạc truyền thống khiến những người chứng kiến không khỏi ấn tượng. Tiếp đến là bài múa xòe vòng, thu hút nhiều người có mặt cùng tham gia. Khi trống vang lên, tất cả thành viên co 2 tay chụm lên trước, 2 chân hơi nhún. Khi người cầm chiêng múa tả cảnh úp bắt cá thì những người khác lại đứng thành một vòng, vung tay, bước chân theo nhịp trống và di chuyển vòng từ trái qua phải và ngược lại.
Mỗi bài dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào Hà Nhì có sự độc đáo, bản sắc riêng biệt. Riêng các bài múa, động tác đơn giản, không có những bước quay, nhảy mạnh như dân tộc khác mà lại mang tính tập thể, tính cộng đồng cao.
Anh Mạ Lý Phạ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ xã Ka Lăng, huyện Mường Tè chia sẻ: Dân ca, dân vũ rất quan trọng, được coi như món ăn tinh thần gắn bó với cuộc sinh hoạt của đồng bào. Để giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp này của dân tộc, Câu lạc bộ sẽ thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cho các cháu học sinh tới nhà văn hóa để truyền dạy lại các điệu múa nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc.
Người Hà Nhì chiếm số đông ở Ka Lăng, sống trên vùng núi cao, gần biên giới nên ít chịu ảnh hưởng từ văn hóa của các dân tộc khác. Các làn điệu dân ca, điệu múa của đồng bào như sợi dây gắn kết cộng đồng, giúp một dân tộc dù chưa có chữ viết, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn lưu giữ được di sản văn hóa truyền thống của riêng mình.
Tháng 12/2022, huyện Mường Tè lựa chọn xã Ka Lăng để thành lập Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì với 30 thành viên. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục nhân rộng, phát triển ra các địa phương có đồng bào Hà Nhì nói riêng, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung. Với sự hỗ trợ trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ của Phòng Văn hóa - Thông tin, Câu lạc bộ không chỉ sưu tầm, khôi phục các điệu múa mà còn trực tiếp truyền dạy cho các học viên tại địa phương. Qua đó đã khuấy động phong trào văn hóa văn nghệ, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội của xã Ka Lăng.
Ông Lỳ Ló Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Lăng, huyện Mường Tè cho biết: Xã rất vinh dự được huyện chọn nơi thành lập Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì. Thời gian tới, xã Ka Lăng sẽ phát triển dân ca, dân vũ sâu rộng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào; truyền bá giá trị văn hóa xã Ka Lăng cũng như cộng đồng người Hà Nhì trên khắp mọi miền đất nước. Cùng đó, xã tiếp tục duy trì và yêu cầu Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếp tục tuyên truyền tới tất cả các bản trên địa bàn xã Ka Lăng khôi phục, duy trì các bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, thành viên Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì tích cực luyện tập, sinh hoạt đều đặn, nhiệt tình tham gia biểu diễn, giao lưu tại nhiều sự kiện quan trọng của địa phương, của huyện. Đặc biệt, nhiều thành viên tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia sưu tầm, phục dựng và truyền dạy những bài dân ca, dân vũ.
Với sự định hướng, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn huyện, phong trào luyện tập, biểu diễn văn hóa văn nghệ đã thực sự lan tỏa và đi vào đời sống của người Hà Nhì ở Ka Lăng. Có thể thấy đây là mô hình sinh hoạt tập thể hiệu quả, góp phần quan trọng lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè. Đồng thời, tạo nền tảng quan trọng để địa phương tiếp tục nhân rộng ra nhiều nơi, các dân tộc khác trên địa bàn; xây dựng thành những loại hình sản phẩm văn hóa đặc thù, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra các nguồn thu bền vững cho người dân.
Theo ông Tống Văn Kem, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Tè, huyện chọn địa bàn xã Ka Lăng là xã đầu tiên khôi phục, bảo tồn dân ca, dân vũ bởi tuy ở khu vực biên giới, có điều kiện kinh tế và đi lại khó khăn nhưng dân tộc Hà Nhì nơi đây vẫn gìn giữ nguyên vẹn được nét đẹp của mình với bản sắc văn hóa rất phong phú. Việc thành lập Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì cũng chính là cụ thể hóa thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 có giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho hay: Thời gian tới, nhằm bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tộc Hà Nhì nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn nói chung, huyện sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống, các nghi thức trong sinh hoạt của các dân tộc; phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc bảo tồn, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc; huyện tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, du lịch cả về quản lý Nhà nước, công tác bảo tồn và kỹ năng nghề du lịch.
Cùng với đó, huyện cử cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, cán bộ văn hóa xã tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về bảo tồn văn hóa gắn với du lịch nhằm nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch; khuyến khích thành lập các hợp tác xã sản xuất các sản phẩm văn hóa truyền thống như dệt, mây tre đan… thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách.