Bao giờ Việt Nam có thị trường mỹ thuật - Bài cuối

CÒN CHỜ ĐẾN BAO GIỜ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và văn hóa hiện nay, việc nghiên cứu quản lý phát triển thị trường mỹ thuật ở Việt Nam có thể xem là một vấn đề bức thiết để phát triển mỹ thuật trên cả hai phương diện kinh tế và văn hóa.

Nhà nước vào cuộc


Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thị trường mỹ thuật trong nước vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển mỹ thuật bền vững, đây có thể xem là mục tiêu lớn nhất của mỹ thuật trong 10 năm tới, cùng với việc nâng cao chất lượng tác phẩm. “Nếu không có thị trường mỹ thuật trong nước thì mỹ thuật chưa phát triển bền vững được và còn tiếp tục bị tác động bởi thị trường mỹ thuật nước ngoài. Đó là điều làm cho các cơ quan quản lý trăn trở trong nhiều năm qua. Tìm ra giải pháp gì, chính sách gì, tác động nào để có được thị trường mỹ thuật trong nước, có được người xem, có được đông đảo người Việt Nam yêu và hiểu mỹ thuật Việt Nam”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Họa sĩ Đặng Phương Việt nổi tiếng với tranh vẽ sen, từng hài hước khẳng định: “Tranh của tôi họ chép đầy ở các gallery, giá chỉ có vài trăm ngàn một bức”.



Tuy nhiên, cũng theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, để có thể xây dựng một thị trường mỹ thuật, thì một mình Bộ VHTT&DL, mà trực tiếp là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, là không đủ. Cần có sự ủng hộ, gắn kết, phối hợp, đồng lòng của cả xã hội. Đặc biệt, vai trò quản lý của Nhà nước là vô cùng quan trọng.

Đồng quan điểm này, TS Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ VHTT&DL) cho rằng: Muốn xây dựng thị trường mỹ thuật nội địa, giai đoạn đầu nhất thiết phải có sự điều tiết của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách. Nếu cơ quan quản lý không tham gia vào thị trường, thì ngay cả tiền thuế cũng bị thất thoát. Và đương nhiên sự thẩm định hay đăng ký bản quyền là hiếm hoi dẫn đến tình trạng bùng nổ tranh chép, tranh nhái như hiện nay. Bởi vậy, sự "ra tay" của các cơ quan quản lý với những yếu tố cơ bản của thị trường trong lĩnh vực mỹ thuật nên bắt đầu từ việc xây dựng Luật Mỹ thuật, trong đó quy định đầy đủ về bản quyền, thành lập hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định, cơ quan đấu giá, phiên đấu giá… Đi kèm với đó là chính sách đầu tư cho mỹ thuật của Nhà nước.

Về phía mình, PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo chỉ rõ hơn cách làm: Nhà nước không nên bảo trợ nghệ thuật bằng ngân sách mà nên kích thích thị trường bằng việc ưu đãi về thuế và các thủ tục khác đối với hoạt động đầu tư, bảo trợ nghệ thuật của các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ phổ biến nghệ thuật trong đời sống, như đầu tư cho truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động trưng bày… Một điều mà ai cũng rõ, với thị trường mỹ thuật nội địa, khách hàng đóng vai trò quan trọng nhất chính là người trong nước. Gần đây có không ít hội chợ nghệ thuật tổ chức hướng đến khách hàng trong nước, như: "Hội chợ nghệ thuật Hà Nội lần thứ nhất", "Tết Art" đã thu hút khách mua lên tới hàng trăm người. Nhưng những hoạt động nêu trên vẫn do các tổ chức tư nhân đứng ra thực hiện.

Tư nhân thay đổi tư duy

Hiến kế cho thị trường mỹ thuật trong nước, ThS Nguyễn Đình Thành (Đại học Paris Dauphine) nhấn mạnh: Các thay đổi cần làm là về cơ chế, về thị trường, quản lý và truyền thông. Về cơ chế, cần thành lập một số trung tâm thường xuyên mua bán, trao đổi tác phẩm nghệ thuật, chuyên nghiệp hóa các ngành nghề liên quan đến mỹ thuật, có chính sách bảo đảm, giảm thuế cho những người bảo trợ văn hóa, mua các tác phẩm nghệ thuật… Về thị trường, cần xây dựng các quy định về bảo hiểm đối với tác phẩm mỹ thuật, thành lập các festival và tạo điều kiện cho các gallery xây dựng mô hình nhà đấu giá… Về truyền thông, cần thành lập trung tâm dữ liệu về nghệ sĩ, tác phẩm bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt… Về quản lý, nên đơn giản hóa các khâu làm thủ tục tổ chức triển lãm…

“Hiện nay, các nghệ sĩ sáng tác hầu như phải tự mình bán tranh bằng nhiều cách khác nhau. Các gallery tưởng chừng là những địa điểm lý tưởng cho nghệ sĩ thì lại là nơi chép tranh, đạo ý tưởng phổ biến đến mức họa sĩ rất sợ để tranh mình ở các gallery”.

Một họa sĩ chia sẻ

Với tư cách là một người đã gắn bó và “dấn thân” thời gian qua cho mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trịnh MinhTiến, người từng thử nghiệm mô hình chợ mỹ thuật Tet Art chia sẻ: Nên có hội chợ mỹ thuật dành cho các họa sĩ. Nhiều hội chợ như Art for you hay hội chợ của Manzi đã rất thành công. Rất nhiều họa sĩ trẻ muốn tham gia các hội chợ.

Còn về phần mình, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, người từng “kinh qua” nhiều bảo tàng, triển lãm ở châu Âu, châu Mỹ khẳng định: Muốn có một thị trường mỹ thuật phát triển, phải có người có kiến thức, hiểu được mỹ thuật và yêu mỹ thuật, từ đó người ta mới mua tranh. Không chỉ người mua tranh cần kiến thức, mà lãnh đạo cũng phải cần.

“Rõ ràng, đã đến lúc phải nghiêm túc vào cuộc, xây lại từ những viên gạch đầu tiên cho thị trường mỹ thuật Việt Nam, chứ không thể cứ để “nước chảy, bèo trôi” như hiện nay. Cứ tiếp tục tình trạng không có các chuyên gia thẩm định giá trị tác phẩm, sản phẩm được đào tạo và được Nhà nước cấp bằng hành nghề; thiếu vắng hệ thống thống kê, trao đổi, cập nhật thông tin về tác giả, tác phẩm, giá tiền; không tồn tại hiệp hội các nhà môi giới nghệ thuật; các trao đổi thường là trực tiếp hoặc bằng tiền mặt mà không giao dịch qua ngân hàng, không có sự chứng kiến của cán bộ công chứng; bản thân nghệ sĩ cũng không có thói quen làm giấy chứng nhận tính nguyên bản và số lượng của tác phẩm, người mua có muốn mua cũng không có cơ sở nào để định lượng, để có được sự xác thực... thì đến bao giờ mỹ thuật Việt Nam mới chuyên nghiệp được”, một lãnh đạo ngành mỹ thuật chia sẻ.

Theo một chuyên gia mỹ thuật, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam đã chia sẻ cảm nhận rằng họa sĩ Việt Nam hội tụ đủ cả sự khéo léo, tinh tế của nghệ thuật châu Á và kiến thức từ các thầy của hội họa Pháp… có nghĩa đây có thể là một thị trường mỹ thuật rất tiềm năng; thế nhưng vì những lý do kể trên, nên cuối cùng chúng ta vẫn dậm chân ở mức “thị trường sơ khai”, dẫn tới việc giá trị tranh của chúng ta không cao. “Đã không có giá trị cao, thì sẽ không còn đầu tư, chính bởi vậy mà hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng ít mặn mà với tranh Việt, đây thực sự là điều đáng lo khi chúng ta muốn hội nhập thế giới, muốn phát triển nền mỹ thuật của mình”, một chuyên gia mỹ thuật khẳng định.

Anh Minh
Bao giờ Việt Nam có thị trường mỹ thuật
Bao giờ Việt Nam có thị trường mỹ thuật

Những manh nha của thị trường mỹ thuật Việt Nam thì đã có vài chục năm nay. Có một thời, những gallery như gallery Tràng An của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, từng tuần nào cũng ít nhất có một triển lãm tranh của một họa sĩ có tên tuổi...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN