Từ khi dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại vào ngày 30/9/2009, tỉnh Bắc Ninh đã sớm xây dựng, triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này. Nhờ đó, đến nay, dân ca Quan họ ngày càng có sức lan tỏa , các nghệ nhân được tôn vinh và có các chính sách hỗ trợ, ngoài 45 làng Quan họ gốc, Bắc Ninh đã phát triển thêm 329 làng Quan họ thực hành.
Để dân ca Quan họ phát huy giá trị văn hóa sâu rộng, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013 - 2020". Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ Di sản dân ca Quan họ. Theo đó,đề án được thực hiện trong 8 năm (từ năm 2013 đến năm 2020) với tổng mức kinh phí đầu tư 64 tỷ 880 triệu đồng trích từ ngân sách của tỉnh thông qua 5 tiểu dự án thành phần bao gồm: Chương trình truyền dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh, kinh phí đầu tư 6 tỷ 380 triệu đồng; Chương trình đầu tư xây dựng và tu bổ các thiết chế văn hoá liên quan đến di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh, kinh phí 41 tỷ đồng; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh kinh phí 12 tỷ 500 triệu đồng; Sưu tầm, phục dựng các hình thức hát Ca trù tại tỉnh Bắc Ninh và truyền dạy hát Ca trù tại cộng đồng, kinh phí 2 tỷ đồng; Đầu tư hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ phục dựng, tôn tạo các thiết chế văn hóa liên quan đến Ca trù, kinh phí 3 tỷ đồng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đánh giá hiện trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca Quan họ, đề xuất cơ chế, chính sách, chương trình, dự án đầu tư bảo tồn dân ca Quan họ. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư các hoạt động bảo tồn không gian, các thiết chế văn hóa gắn với sự tồn tại và phát triển của các làng Quan họ gốc; mở rộng các hình thức, phương pháp truyền dạy; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng mô hình sân khấu thực cảnh bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa Quan họ.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng chòi hát Quan họ trên đồi Lim; hỗ trợ tu bổ nhà chứa Quan họ, đình Diềm, đầu tư âm thanh, nhạc cụ cho 44 làng Quan họ gốc, dành kinh phí cho sưu tầm, chỉnh lý, đào tạo truyền dạy dân ca Quan họ. Tiến hành sưu tầm, biên soạn các công trình nghiên cứu về dân ca Quan họ. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã sưu tầm được 213 làn điệu với 426 lời ca dân ca Quan họ.
Hằng năm, tỉnh tổ chức cuộc thi giọng hát hay dân ca Quan họ Bắc Ninh, coi đây là hoạt động thiết thực nhằm khẳng định, tôn vinh những giọng ca tiêu biểu; phát hiện những giọng ca triển vọng để vun đắp nhân tài, không chỉ có ý nghĩa với mỗi thí sinh tham gia cuộc thi mà còn là việc làm tích cực góp phần quan trọng gìn giữ, bảo tồn và phát triển loại hình dân ca độc đáo này, để dân ca Quan họ Bắc Ninh tiếp tục lan tỏa trong nước và quốc tế.
Bắt đầu từ năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thực hiện quy định chế độ giải thưởng, khen thưởng tại Hội thi hát dân ca Quan họ Bắc Ninh. Theo đó, các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao tại hội thi hát đầu xuân hàng năm sẽ được tặng Giấy chứng nhận và kèm theo mức tiền thưởng như: Thi hát đối đáp: 150 bài-tiền thưởng cao nhất bằng 6 lần và thấp nhất bằng 1 lần mức lương tối thiểu; 50 bài-tiền thưởng cao nhất bằng 4 lần và thấp nhất bằng 0,7 lần mức lương tối thiểu. Thi ca nhạc dân ca Quan họ: tiền thưởng cao nhất bằng 3 lần và thấp nhất bằng 0,3 lần mức lương tối thiểu, được quy định chi tiết đối với các thể loại: đơn ca, song ca và tam ca, tốp ca, toàn đoàn. Cơ cấu giải thưởng của Hội thi bao gồm: Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích áp dụng cho tất cả các nội dung.
Qua nhiều năm tổ chức, Hội thi hát Quan họ đầu xuân đã trở lên quen thuộc với người dân, thu hút gần 200 diễn viên, nhạc công của 7 đơn vị dự thi ở sân khấu ca nhạc quan họ; hàng chục cặp liền anh liền chị của các làng quan họ trong tỉnh dự thi tại sân khấu hát đối đáp từ 50 đến 100 bài.
Cùng với việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân ca quan họ, tỉnh còn thực hiện quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân nhằm tôn vinh, đãi ngộ, chăm sóc một cách thiết thực cả về vật chất và tinh thần đối với những nghệ nhân. Việclàm này thể hiện sự quan tâm thiết thực đối với những nghệ nhân; khẳng định quan điểm về sự trân trọng, gìn giữ tinh hoa văn hóa của quê hương, dân tộc. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đã được tỉnh Bắc Ninh cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ Di sản dân ca Quan họ
Ngoải ra, Bắc Ninh đã thành lập Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh trên cơ sở nâng cấp Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh với chức năng biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhu cầu thưởng thức dân ca Quan họ của nhân dân và bạn bè quốc tế; sưu tầm, nghiên cứu, thể nghiệm, đào tạo, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. Tỉnh còn biên soạn tài liệu, đưa dân ca quan họ vào giảng dạy tại các trường học cho các em học sinh từ cấp mầm non cho đến cấp phổ thông bắt đầu từ năm học mới 2011-2012 theo hình thức học ngoại khóa. Với mục tiêu, mỗi học sinh có thể hát được ít nhất một bài hát dân ca quan họ truyền thống.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, dân ca quan họ ngày càng khẳng định chỗ đứng trong lòng người dân không chỉ ở vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc và cả nước mà còn được biết đến với bạn bè quốc tế, xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thái Hùng