Sáng 15 tháng Giêng, thời tiết tại Nam Định có mưa, trời rét, nhưng người dân ở mọi miền đất nước đã về đền Trần, thành phố Nam Định xin lộc ấn. Có mặt tại khu vực phát ấn ở đền Thiên Trường từ sáng sớm, ông Tống Văn Cường, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Ban Tổ chức đã bố trí khu phát ấn hợp lý, thuận lợi, nhân dân không phải chờ đợi lâu, không có tình trạng chen lấn nhau. Ông Cường mong muốn xin lá ấn để cầu mong sức khỏe, mọi việc trong năm mới được suôn sẻ, thuận lợi.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Trần - chùa Tháp, thành phố Nam Định thông tin, Ban Tổ chức đảm bảo đủ lượng ấn phát cho nhân dân. Việc phát ấn sẽ diễn ra đến hết tháng Giêng và có thể sang tháng Hai nếu như du khách vẫn có nhu cầu.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Nam Định cùng các cơ quan thông tin báo chí đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, du khách. Nhờ đó, mọi người ngày càng hiểu đúng hơn về ý nghĩa, giá trị cốt lõi của lễ hội này, từ đó thực hiện đúng các quy định của Ban Tổ chức nên đã không còn cảnh lộn xộn, tranh cướp lộc trên các ban thờ trong đêm khai ấn; không còn tình trạng chen lấn, xô đẩy, giành nhau xin ấn, thay vào đó người dân xếp hàng theo thứ tự vào xin ấn...
Trước đây, nhiều người từng có suy nghĩ, ấn Đền Trần được các Vua Trần phát cho quan lại, những người có công trạng nên hàm ý cho việc ban phát tài lộc, thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, cách hiểu này chưa đúng với bản chất và ý nghĩa nguyên bản của Lễ hội khai ấn, phát ấn được nhân dân làng Tức Mặc, thành phố Nam Định duy trì, tổ chức từ xưa đến nay.
Ông Nguyễn Văn Thư, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định - nhà nghiên cứu văn hóa Nam Định phân tích, trên ấn đền Trần có các chữ “Trần Miếu tự điển”, nghĩa là điển lệ thờ tự tại miếu nhà Trần; “Trần Miếu” nghĩa là Miếu nhà Trần và chữ “Tích phúc vô cương”. Bản chất của chữ “Tích phúc vô cương” khi xưa vua Trần ban cho con cháu là muốn nhân dân tích phúc dài lâu, răn dạy nhân dân hướng thiện, làm những điều có ích cho cộng đồng.
Như vậy, ấn “Trần Miếu tự điển” không gắn với một cấp hành chính hay chức quan nào mà đơn giản nó chỉ mang ý nghĩa về điển lệ thờ tự ở “Miếu Trần”. Tuy thế, ấn được lưu giữ và tiến hành nghi lễ trong một không gian thiêng, nơi thờ các vua Trần và Đức Thánh Trần, xưa kia là các cung điện của Thượng hoàng nhà Trần trong Hành cung Thiên Trường - Trung tâm quyền lực thứ hai của nước Đại Việt ở thế kỷ XIII - XIV.
Quan niệm trong dân gian khi có lá ấn như có được lộc Vua, lộc Thánh ban để hi vọng nhận được những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới. Đi dự Lễ Khai ấn Đền Trần còn là một cuộc du Xuân, hành hương ý nghĩa để hiểu thêm về lịch sử, văn hóa thời Trần nói riêng, mảnh đất con người thành Nam nói chung.
Ông Thư nhìn nhận, có thể trước đây không ít người đã hiểu không đúng, cho rằng, việc lấy được lá ấn, xin được lộc sẽ giúp họ thăng quan tiến chức, mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền nên đã dẫn đến hiện tượng tranh cướp lộc, chen lấn, xô đẩy tại các điểm xin ấn, phát ấn. Những năm gần đây, người dân đã hiểu đầy đủ hơn về ý nghĩa của lễ hội này nên thực tế không còn tình trạng lộn xộn tại khu vực Đền Trần.
Theo ông Thư, việc thăng tiến của cá nhân phải do sự phấn đấu rèn luyện của bản thân người đó. Mỗi người cần phát huy truyền thống của cha ông, nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng trong công việc; tiếp nối truyền thống lịch sử, góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Lễ hội Khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà Vua tế lễ trời, đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông dựng nước và giữ nước.
Ý nghĩa của bốn chữ “Tích phúc vô cương” khắc trên ấn mà Vua Trần ban cho con cháu đó là, muốn muôn dân lan rộng cái phúc, dạy dỗ trăm họ giữ gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, phải tích phúc cho thật tốt, thật đủ đầy thì mai sau lộc hưởng mới bền vững. Đây là ý nghĩa giáo dục sâu sắc của việc các Vua Trần ban phát ấn.