Tối 23/2, Hàn Quốc xác nhận ca tử vong thứ 6 vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19). Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo virus lên “đỏ” – mức cao nhất trong hệ thống và đây là lần đầu tiên trong hơn một thập niên, mức báo động này được áp dụng. Số liệu cập nhật đến chiều 23/2, Hàn Quốc có 556 người mắc COVID-19 và đã có 6 người tử vong vì dịch bệnh này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Ngoại giao nước ta đã chủ động và khẩn trương triển khai các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam tại Hàn Quốc. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người, tại tỉnh Gyeongsangbuk là 18.502 người (trong đó có 333 người tại quận Cheongdo).
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân là +82 106 315 6618, trực 24/24, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Công dân Việt Nam tại Hàn Quốc cũng có thể liên hệ số điện thoại Tổng đài Bảo hộ Công dân là +84 981 84 84 84. Để nhận được sự hỗ trợ , người lao động có thể liên lạc với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo số điện thoại: 010-3248-6886; 010-4356-2505 hoặc số điện thoại của Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc: 010-9892-1712.
Trước đó, ngày 21/2/2020, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn quốc đã ra thông báo lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Hàn Quốc khuyến cáo; thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh; đồng thời Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế phối hợp chỉ đạo các công ty tư vấn du học sinh thông báo tình hình dịch COVID-19 đến các lao động, du học sinh đang có kế hoạch sang Hàn Quốc trong thời gian tới để chủ động biện pháp phòng ngừa; thường xuyên giữ liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan (nhà trường, chủ sử dụng lao động, công ty môi giới sở tại…) để nắm tình hình, có biện pháp hỗ trợ đối với các lưu học sinh, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.
Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị phía Hàn Quốc có các biện pháp đảm bảo y tế, an ninh, an toàn và hỗ trợ cho công dân Việt Nam tại Hàn Quốc, nhất là tại các khu vực có dịch.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng có văn bản chỉ đạo Ban quản lý lao động ngoài nước Việt Nam tại Hàn Quốc theo sát tình hình, rà soát số lao động đang làm việc tại Hàn Quốc để có phương án phòng dịch COVID-19, đặc biệt là lao động tại thành phố Daegu - Hàn Quốc.
Theo báo cáo nhanh của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện Việt Nam có gần 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chủ yếu đi theo chương trình EPS; trong đó có hơn 4.000 lao động Việt Nam ở 2 vùng dịch lớn là thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk (Daegu có hơn 1.000 lao động, Gyeongbuk có khoảng 3.000 lao động).
Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã đề nghị Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS) và doanh nghiệp phái cử theo dõi tình hình dịch bệnh liên quan đến lao động Việt Nam. EPS và đại diện doanh nghiệp cũng đang triển khai cung cấp thông tin phòng dịch cho người lao động. Hệ thống các tư vấn viên người Việt tại các trung tâm hỗ trợ lao động cũng thường xuyên cập nhật thông tin cho người lao động Việt Nam, đồng thời khuyến cáo người lao động không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch; tuân thủ các hướng dẫn về phòng tránh dịch bệnh của cơ quan chức năng Hàn Quốc.
Bà Trần Thị Vân Hà, trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp Hàn Quốc) cũng đã có thông báo chính thức về việc công dân nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các biểu hiện liên quan đến dịch COVID-19 khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công cộng sẽ không bị truy cứu và trục xuất.
Trao đổi với phóng viên TTXVN sáng 23/2, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải chưa quyết định việc dừng các đường bay từ Việt Nam đi Hàn Quốc nhưng hiện tại cũng đã bị giảm chung khoảng 65%. Hành khách Hàn Quốc đã đăng ký hoặc mua vé bay sang Việt Nam đã bị hủy. Hiện giờ các chuyến bay từ Việt Nam chỉ chở khách trả về Hàn Quốc.
Vì không có khách đi nên các hãng hàng không cũng đã dừng bay từ Việt Nam đi thành phố Daegu (đang là tâm dịch COVID-19 tại Hàn Quốc). Chỉ còn Vietjet Air đang hoàn thành nốt các hợp đồng chở khách về thành phố Deagu. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đang theo dõi sát sao tình hình dịch COVID-19 ở Deagu và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.
Chiều 23-2, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona thành phố Hà Nội đã tổ chức họp đột xuất để đưa ra những biện pháp chủ động, kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường khi tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ… Hà Nội chưa có ca nhiễm bệnh nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm do là địa phương đông dân cư, có nhiều công dân đến từ các quốc gia có dịch.
Vì thế, Hà Nội phải chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với người đến và đi từ những vùng dịch ngoài Trung Quốc, trong đó lưu ý đến các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Italia, Pháp… Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc một số công việc. Theo đó, công an khu vực của các địa phương, ban quản lý các tòa nhà chung cư phải rà soát để lập danh sách những người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn. Các khách sạn phải ghi lại lịch trình của khách nước ngoài, đặc biệt là những du khách đến từ các quốc gia đã được cảnh báo trên. Các tòa nhà chung cư bắt buộc phải có dung dịch sát khuẩn tay cho người dân trước và sau khi vào thang máy. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Đức Chung lưu ý, các địa phương cần tuyên truyền những công dân đi du lịch, công tác đến những quốc gia có dịch phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng. Trong đó, chú ý những người có lịch trình đi từ ngày 18-2 cần phải theo dõi tình hình sức khỏe, khai báo thông tin với cơ sở y tế địa phương để có biện pháp giám sát, theo dõi kịp thời.
Về công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị các địa phương nghiêm túc tiến hành các biện pháp bắt buộc, như: Phun khử khuẩn lần thứ tư tại các trường học; các lớp phải có xà phòng, nước khử khuẩn tay, nhiệt kế để đo thân nhiệt cho học sinh trước và sau khi vào lớp; giáo viên phải có sổ theo dõi sức khỏe học sinh; giáo viên phải được đào tạo thành thạo các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi phát hiện học sinh có biểu hiện nhiễm bệnh. Các trường không tổ chức chào cờ ở sân trường mà thực hiện tại lớp; bố trí để học sinh không vui chơi, ăn trưa tập trung đông người… Việc này cần phải được thực hiện đến hết tháng 4, cho đến khi có thông báo của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế cập nhật đầy đủ phác đồ điều trị của các bệnh nhân đã khỏi bệnh để hướng dẫn cho các cơ sở y tế cấp dưới; thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới, các thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… Những thông tin này phải được công khai, minh bạch để người dân không chủ quan. Ngoài ra, Sở Y tế phải tổ chức diễn tập ứng phó với dịch COVID-19, trong đó có việc phân công xe đưa đón bệnh nhân, khu vực bố trí cách ly theo từng mức độ. Sở Y tế cần kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, các chất khử khuẩn bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý, với tình hình dịch diễn biến khó lường, nếu cần thiết thì hạn chế hoạt động đối với những tụ điểm vui chơi, giải trí như tại các quán bar, karaoke… Sở Công Thương và các đơn vị liên quan cần phải rà soát, đánh giá khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong trường hợp diễn biến dịch phức tạp hơn.
Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 831/BYT-MT khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với trung tâm thương mại, siêu thị, công viên, khu du lịch (gọi tắt là khu dịch vụ).
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo: Đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ, ttước khi đến khu dịch vụ phải tự đo nhiệt độ và báo cáo, cách ly tại nhà nếu có sốt. Trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ, người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc với khách hàng, người dân cần đeo khẩu trang, hạn chế bắt tay, hạn chế tiếp xúc với khách hàng khoảng cách dưới 1m (nếu có thể); thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí; không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay... Nếu phát hiện bản thân hoặc người làm việc, người bán hàng cùng hoặc khách hàng có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải báo cho cán bộ phụ trách phòng chống dịch tại khu dịch vụ và người sử dụng lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
Khuyến cáo đối với khách hàng: Không vào khu dịch vụ nếu có các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi hoặc nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi đến chỗ đông người; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp; bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ.. Không khạc nhổ bừa bãi. Thông báo ngay cho người làm việc tại khu dịch vụ để được hướng dẫn và hỗ trợ khi bản thân thấy có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở.
Khuyến cáo về vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại khu dịch vụ: Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường; Tổ chức khử khuẩn khu dịch vụ như sau: Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của trẻ em, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày. Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can: khử khuẩn ít nhất 4 lần/ngày. Tăng cường thông khí tại các phòng, gian bán hàng, khu vui chơi... của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa số hoặc các giải pháp phù hợp khác; hạn chế sử dụng điều hòa. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày.
Trách nhiệm của ban quản lý và người sử dụng lao động: Phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại khu dịch vụ. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng cho người lao động làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ và khách hàng. Đối với người lao động, làm việc tại khu dịch vụ không thể rời khỏi vị trí trong ca làm việc, phải cung cấp dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn. Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người làm việc có tiếp xúc với khách hàng. Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu dịch vụ. Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động, làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ về việc thực hiện khuyến cáo này và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tổ chức thông tin truyền thông về phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người lao động, làm việc, bán hàng và khách hàng. Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay, đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương (thông qua đường dây nóng 19003228 hoặc 19009095)
Thông tin cập nhật tới 19 giờ 30 phút của Bộ Y tế, thể giới có 78.882 trường hợp mắc COVID-19, số người tử vong là 2.468. Riêng tại Trung Quốc, có 76.936 người mắc, 2.442 người tử vong.
Tại Việt Nam đã 10 ngày không xuất hiện trường hợp lây nhiễm mới; Số ca điều trị thành công, xuất viện là 15/16 ca; Số xét nghiệm âm tính: 1.247; Số trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch): 32 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chế để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, có 6.470 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho, nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm COVID-19.