Trước đó, nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý dứt điểm vị trí sụt trượt ta luy dương tại Km 69+900 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn đi qua thành phố Huế và thị xã Hương Trà, Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng phối hợp điều tiết phân luồng giao thông, hạn chế xe tải trọng trên 10 tấn vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ đầu tháng 6/2023.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và nhà thầu đã tiến hành xử lý điểm sạt trượt trên đồng thời vẫn phải đảm bảo cho các phương tiện ô tô lưu thông qua lại. Thời gian dừng xe để tiến hành thi công đào xả 30 phút, thời gian dọn dẹp 15 phút, thời gian thông xe 15 phút.
Việc xử lý điểm sạt trượt này rất phức tạp kéo dài từ đỉnh đồi cao 154 m xuống mặt đường, với 15 mái cơ, trong khi vẫn phải đảm bảo vận hành khai thác tuyến cao tốc bình thường nên thời gian thi công kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu. Phía nhà thầu đã tiến hành thuê đất rừng trồng của người dân để mở đường tạm cho các phương tiện máy thuỷ lực khoan đá, máy múc công suất lớn tiếp cận đỉnh đồi. Khối lượng đất đá đã xử lý tại vị trí sạt trượt trên lên tới hàng chục nghìn m3 - Ban Quản lý dự án cho biết.
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn được đưa vào khai thác từ đầu năm 2023 đến nay, với lưu lượng các phương tiện ô tô trên tuyến đường này ngày càng nhiều do chưa áp dụng thu phí, ước khoảng có từ 4.500 – 5.000 phương tiện qua lại mỗi ngày.
Đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98 km, kết nối tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Giai đoạn đầu khai thác, tuyến đường có hai làn xe với chiều rộng nền đường 12 m, riêng đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 23 m; giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 23 m.