Xử lý việc hoạt động cơ sở Ngôi nhà Hạnh Phúc

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc, huyện Bình Chánh chưa được cấp giấy phép được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua.

Trẻ tại cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc tự sắp xếp đồ đạc cá nhân để chuẩn bị chuyển đi nơi khác. Ảnh: tuoitre.vn


Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian này Sở sẽ phối hợp với UBND huyện Bình Chánh để có hướng xử lý theo quy định. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động cơ sở Ngôi nhà Hạnh Phúc sẽ đảm bảo quyền và lợi ích đầy đủ cho trẻ theo quy định.

Đối với trẻ có gia đình, nếu gia đình có điều kiện thì giải quyết hồi gia; trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sẽ tiếp nhận trẻ vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, đảm bảo công tác giáo dục, sinh hoạt văn hóa, thể chất cho các em; đảm bảo trẻ được tiếp tục học văn hóa, học nghề đối với những trẻ đang theo học văn hóa, học nghề.

Theo báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Bình Chánh, cơ sở Ngôi nhà Hạnh Phúc do vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng và bà Ngô Thị Kim Vân làm chủ tại địa chỉ B7/16AD4, tổ 129, ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Ông Nguyễn Văn Hoàng và bà Ngô Thị Kim Vân mua lại mảnh đất trên với hình thức mua bán giấy tay để xây nhà ở. Đất thuộc diện quy hoạch giải tỏa chưa đền bù của dự án Đô thị Hạnh phúc.

Cơ sở này là căn nhà cấp bốn có diện tích 110 m2 và có thêm phần đất trống lợp mái tôn kế bên nhà với diện tích 100 m2 được thuê từ năm 2011 đến nay. Cơ sở này bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2006 với số lượng khoảng 5 trẻ, từ năm 2010 số lượng trẻ tăng lên và tại thời điểm kiểm tra là 32 trẻ, gồm trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 11/2013, UBND xã Bình Hưng kiểm tra và xét thấy cơ sở này chưa có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, UBND xã Bình Hưng đề nghị ông Hoàng ngưng hoạt động nuôi giữ trẻ không phép và giao trả các trẻ về với gia đình trong thời gian 7 ngày.

Ông Hoàng chấp thuận đề nghị của UBND xã Bình Hưng, đồng thời đề nghị gia hạn thời gian giao trả các trẻ đến ngày 31/5/2015 vì hiện tại các trẻ đang đi học và gia đình các trẻ đều ở xa.

Tuy nhiên đến ngày 3/6, UBND xã Bình Hưng kiểm tra tình hình giao trả trẻ về gia đình ông Hoàng vẫn chưa thực hiện theo nội dung mà ông Hoàng thống nhất tại biên bản trước đó. UBND xã Bình Hưng tiếp tục đề nghị ông Hoàng, bà Vân thực hiện giao trả trẻ trước ngày 15/6.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 53 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trong đó có 32 cơ sở đã được cấp phép.

Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm tra hoạt động các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Theo đó, đối với những cơ sở đủ điều kiện hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp phép, Sở hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định.

Đối với những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động như cơ sở vật chất không đảm bảo, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chưa phù hợp…, Sở kiến nghị UBND Thành phố đề nghị chấm dứt hoạt động.



Thu Hoài (TTXVN)
Tây Ninh quản lý chặt các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi
Tây Ninh quản lý chặt các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi

Tỉnh Tây Ninh có 110 trẻ mồ côi và 172 người khuyết tật được nuôi dạy tại 7 cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN